Mô hình nuôi bò vỗ béo ở An Giang

Hiện nay, mô hình nuôi bò vỗ béo giúp cuộc sống của bà con nông dân ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) sung túc hơn. Đây là mô hình phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với một xã thuần nông.

Lấy công làm lời

Khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh tại xã Khánh Hòa. Với lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ, rơm, gạo, cám… và chi phí chuồng trại, thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng nên nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Chí Tâm (ấp Khánh An, xã Khánh Hòa) ngoài việc canh tác rau màu còn chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. Những năm gần đây, do giá heo lên xuống thất thường, có thời điểm xuống thấp nên chăn nuôi không có lời. Thấy địa phương có nhiều hộ chăn nuôi bò mang lại lợi nhuận cao, anh Tâm đã tiến hành cải tạo chuồng trại, mua 10 con bò tơ về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật nên lứa đầu tiên lợi nhuận không nhiều, sau khi bán, trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng.

Mô hình nuôi bò góp phần phát triển kinh tế cho nông dân xã Khánh Hòa

Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cùng với kiến thức từ cán bộ thú y, sau 5 năm, con bò đã giúp cuộc sống gia đình anh ổn định hơn trước nhiều. Theo anh Tâm, bò là vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bị rủi ro, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Để tránh rủi ro trong chăn nuôi, anh thường xuyên theo dõi sức khỏe và tiêm phòng dịch bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Ngoài ra, chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để phòng, tránh bị nhiễm bệnh. Theo anh Tâm, nuôi bò là nghề phụ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. “Hiện tại, trong chuồng của gia đình luôn duy trì khoảng 10 con bò. Sau khi nuôi từ 10 – 13 tháng là có thể xuất chuồng. Tùy thời điểm và giá cả thị trường, mỗi con có thể thu lợi nhuận được từ 9 – 13 triệu đồng. Thu nhập của gia đình vì thế cũng khá hơn. So với nuôi heo thì nuôi bò nông dân không sợ thua lỗ. Nếu giá thấp, có thể giữ lại khoảng 1 tháng rồi bán” – anh Tâm cho biết.

Hướng đi phù hợp

Với những lợi thế về thổ nhưỡng, trong những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Hòa ngoài canh tác rau màu, cây ăn trái còn xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình chăn nuôi bò. Nhờ biết cách tận dụng nguồn cỏ dồi dào và các phụ phẩm sẵn có từ nông nghiệp, nhờ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Con giống được nhập chủ yếu từ Campuchia nên giá cả thường biến động

Con giống được nhập chủ yếu từ Campuchia nên giá cả thường biến động

Nhằm trang bị cho nông dân thực hiện dự án chăn nuôi, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng ngừa, trị bệnh cho con bò. Những lớp tập huấn này được nông dân nhiệt tình tham gia.

Ngoài ra, để khuyến khích người dân phát triển và duy trì mô hình, UBND xã còn hỗ trợ nông dân tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; gieo tinh nhân tạo cho bò cũng như hỗ trợ chi phí xây dựng hầm biogas… Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa Nguyễn Phước Duy cho biết, nghề chăn nuôi bò là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương.

Đến thời điểm này, toàn xã có trên 2.000 con bò, được các hộ chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng với nguồn thức ăn tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp và chăn thả khi nông nhàn. “Sự phát triển của nghề chăn nuôi bò đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình để giúp người dân có thu nhập ổn định” – ông Duy chia sẻ.