Mô hình nông nghiệp thông minh tăng chất lượng sản phẩm

Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên cây lúa là một trong những mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Hà Giang.

Mưa đá, dông lốc, những người nông dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ sự biến đổi khí hậu. Nhiều loại cây trồng gặp cảnh mất mùa, dịch bệnh tấn công do thời tiết thất thường. Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con bắt đầu từ năm ngoái đến nay, mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Trên cánh đồng, chị Lộc Thị Lượng, thôn Trung Thành, xã Vỹ Thượng, huyện Quang Bình, nhẩm tính chỉ khoảng hơn tuần nữa ruộng lúa có thể thu hoạch. Vụ lúa năm nay, chị sử dụng mạ khay của tổ dịch vụ ở xã với giống lúa mới và một loại phân bón mới, phân bón hữu cơ vi sinh.

“Qua thời gian, cây lúa của gia đình sinh trưởng và có sức chống chịu với sâu bệnh tốt hơn” – chị Lượng chia sẻ.

Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên cây lúa là một trong những chương trình của mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu còn được gọi tắt là CSA.

mo hinh nong nghiep thong minh tang chat luong san pham hinh 1
Mô hình nông nghiệp thông minh tăng chất lượng sản phẩm cây lúa ở Hà Giang. (Ảnh: Báo Hà Giang)

CSA kết hợp giữa tăng năng suất, thu nhập một cách bền vững và thích ứng, nâng cao khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu. Tham gia vào chương trình này, những người nông dân sẽ được tiếp cận với cách quản lý cây trồng, phòng trừ dịch hại, sử dụng nước hiệu quả hay kỹ thuật thâm canh cây trồng.

Bà Phạm Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết: “Dự án sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp với các mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây trồng giúp bà con hiểu được tác hại của sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc và những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới con người và chất lượng sản phẩm”.

Hà Giang đã triển khai xây dựng mô hình CSA thâm canh bền vững trên nhiều loại cây trồng. Năm 2019, chương trình tiếp tục nhân rộng thực hiện trên cây lúa và cây cam. Theo đó, tỉnh đã thực hiện 7 điểm nhân rộng mô hình có quy mô 462 ha với gần 2.000 hộ tham gia.

Việc triển khai sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng nằm trong hợp phần 3 dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hà Giang năm 2019 – 2020. Ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.