Mô hình liên kết phát triển gà thả đồi

Phát huy lợi thế địa hình của thôn, xã miền núi, thời gian qua, một số địa phương đã phát triển mô hình nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học. Mô hình này đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Từ nhóm chăn nuôi gà sạch…

Tân Lập là thôn 135 đặc biệt khó khăn thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, thôn Tân Lập được Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam lựa chọn thành lập nhóm để chăn nuôi gà sạch thả đồi. Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, mô hình này đã và đang trở thành mô hình xoá đói, giảm nghèo cho người dân trong thôn. Thương hiệu gà sạch, trứng sạch Tân Lập cũng dần có chỗ đứng trên thị trường.

mo hinh lien ket phat trien ga tha doi

Mô hình chăn nuôi gà đồi giúp bà con có thu nhập bền vững

Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và tìm được đầu ra cho các sản phẩm. Hàng năm, GNI đều mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2018 xã đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi gà đồi Tân Lập với 18 thành viên tham gia. Hiện GNI đang hỗ trợ các hộ tham gia mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm thịt gà, trứng gà và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gà đồi Tân Lập.

Nhờ thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi do GNI hỗ trợ, đến nay mô hình đã phát triển rộng ra 3 nhóm chăn nuôi gà khác tại xã Vĩnh Long. Được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, các hộ dân đã nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo từ khâu đầu vào là thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại cho đến sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, các hộ luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện vệ sinh chuồng trại, giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ nhằm đạt hiệu quả cao nhất và cho ra sản phẩm gà đồi an toàn.

… đến việc thành lập hợp tác xã

Tận dụng lợi thế tự nhiên, một số hộ đồng bào xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) đã liên kết nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học, trong đó phần lớn là giống gà đen bản địa, thịt chắc, thơm và dinh dưỡng cao. Cụ thể, 12 gia đình đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng từ cuối năm 2017 với định hướng đầu tiên và chủ yếu là nuôi gà thả đồi. Hầu hết thành viên trong hợp tác xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, dù đã chăn nuôi lâu năm nhưng kiến thức về lĩnh vực này vẫn rất hạn chế. Vì thế, trước đây đàn vật nuôi của nhiều hộ thường xuyên bị dịch bệnh và chậm lớn do nuôi thả không có sự chăm sóc. Ðể đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đúng tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học, hợp tác xã cử 1 thành viên có chuyên môn về thú y đảm nhiệm hỗ trợ các gia đình về cách thức chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng, chống dịch bệnh, trị bệnh… Ðồng thời, thường xuyên mở các buổi họp trao đổi, hướng dẫn các hộ thành viên những nội dung này và tổ chức kiểm tra chéo giữa các hộ để đảm bảo việc thực hiện. Tuy nhiên, hiện hợp tác xã vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bởi trên thực tế, việc tiêu thụ đến nay chưa bền vững, mỗi hộ đều phải tự liên hệ tìm đầu ra hoặc mang gà đến chợ bán. Vì vậy, thời gian tới, hợp tác xã sẽ quản lý chặt chẽ các hộ tiếp tục nuôi gà theo hướng an toàn sinh học để đăng ký công nhận sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh. Ðồng thời, đẩy mạnh kết nối với các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho các hộ thành viên.

Việc thành lập hợp tác xã và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của các tổ nhóm chăn nuôi gà giúp khẳng định thương hiệu, chất lượng gà đồi. Từ đó giúp bà con có thu nhập ổn định và bền vững từ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gà.