Mô hình kinh tế “Từ nông trại đến bàn ăn”

Sinh ra và lớn lên tại miền Đông Nam Bộ, chứng kiến ngành chăn nuôi heo tồn tại chất tạo nạc và sử dụng các chất cấm hàng chục năm qua, chị Trương Thị Ngọc Hạnh (Đồng Nai) mong muốn có những bữa ăn an toàn không chỉ cho mình mà còn cho mọi gia đình.

Xuất phát từ đó, chị Hạnh quyết định đầu tư vào mô hình kinh tế “Từ nông trai đến bàn ăn” tại làng dân tộc Châu Ro ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên

Qua nghiên cứu, chị Hạnh nhận thấy có nhiều tiềm năng để phát triển dự án thực phẩm sạch, như đất có, vườn có, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Với ý tưởng xây dựng một quy trình khép kín từ khâu chọn và tạo giống đến khâu thành phẩm, không sử dụng hóa chất trong quá trình chăn nuôi, chỉ sử dụng thức ăn sẵn có tại vườn nhà như cỏ, cây chuối, trái cây, bắp, cám lúa… chị Hạnh quyết tâm làm giàu từ mô hình chăn nuôi sạch từ heo rừng lai.

Mô hình kinh tế “Từ nông trại đến bàn ăn” - Ảnh 1.

Chị Trương Thị Ngọc Hạnh mong muốn có những bữa ăn an toàn không chỉ cho mình mà còn cho mọi gia đình

“Heo rừng lai được nuôi trong môi trường thiên nhiên, thoáng mát, thả rông cộng với nguồn thức ăn thiên nhiên sẽ cho ra được sản phẩm nhiều dinh dưỡng, nhiều nạc, ít mỡ, da giòn.  Đặc biệt kinh phí đầu tư ít nên khi thành phẩm sản phẩm đưa ra thị trường sẽ giải quyết được vấn đề về giá cả, phù hợp túi tiền người tiêu dùng”, chị Hạnh cho biết.

Từ kế hoạch được đặt ra, chị Hạnh thành lập Cơ sở sản xuất Long Hạnh Phát với mong muốn sẽ mang đến cho mọi gia đình những bữa ăn an toàn, nhiều chất dinh dưỡng. Long Hạnh Phát đã tập trung nghiên cứu tạo ra một hương vị đặc trưng cho mỗi sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong chế biến với phương châm “Từ nông trại đến bàn ăn – Nơi chăm sóc bữa ăn gia đình lý tưởng”.

Mô hình kinh tế “Từ nông trại đến bàn ăn” - Ảnh 2.

Sản phẩm thịt heo rừng của Long Hạnh Phát được chị Hạnh nghiên cứu sản xuất rất đa dạng, tươi ngon

Ý tưởng thì trọn vẹn, nhưng từ những ngày đầu thành lập, cơ sở cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm bởi chưa tiếp cận được với các hình thức bán hàng công nghệ số. Là người điều hành cơ sở sản xuất, chị Hạnh đã tập trung giải quyết từng vấn đề, bước đầu đưa cơ sở Long Hạnh Phát tiếp cận với thị trường, có được tập khách hàng nhất định.

Nâng cao giá trị sản phẩm thịt heo rừng

Sản phẩm thịt heo rừng của Long Hạnh Phát được chị Hạnh nghiên cứu sản xuất rất đa dạng, tươi ngon. Đó là công sức của những ngày miệt mài thử nghiệm để cho ra sản phẩm tốt nhất, có hương vị riêng biệt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị mong muốn, các sản phẩm của mình sẽ trở thành “điểm nhấn” trên bàn ăn của nhiều gia đình.

Mô hình kinh tế “Từ nông trại đến bàn ăn” - Ảnh 3.

Chị Hạnh thuyết trình tại hội khi khởi nghiệp của Đồng Nai, chị nhận giải 3 của cuộc thi

“Cơ sở Long Hạnh Phát sẽ không dừng lại ở đó mà dự kiến sẽ tiếp tục sản xuất những món ăn chế biến sẵn từ thịt heo rừng lai để phục vụ cho các khách hàng là những người bận rộn ít thời gian, thực phẩm chế biến sẳn tiện lợi, vừa túi tiền, đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng món ăn. Do sản xuất quy trình khép kín nên chúng tôi giảm được nhiều chi phí, nên sản phẩm đưa ra thị trường sẽ có giá thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại”, chị Hạnh chia sẻ.

Mô hình kinh tế “Từ nông trại đến bàn ăn” - Ảnh 4.

Chị Hạnh và sản phẩm của mình

Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là huyện được định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên việc phát triển các mô hình chăn nuôi và chế biến thực phẩm sạch từ heo rừng lai là phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương. Mô hình kinh tế “Từ nông trai đến bàn ăn” của chị Trương Thị Ngọc Hạnh sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trong vai trò làm kinh tế, đồng thời tạo sức lan tỏa khuyến khích chị em phụ nữ cùng nhau khởi nghiệp.

Vừa qua, chị Hạnh đã nhận được giải 3 trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án phụ nữ khởi nghiệp 2021 của Đồng Nai với chủ đề “Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm Ocop”.