Lưu ý trong sản xuất giống tôm càng xanh

Hỏi: Tôm càng xanh mẹ ngoài tự nhiên có sử dụng sản xuất giống được không? Nguồn tôm mẹ nào là tốt nhất? (Đỗ Hoài Nam, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Nguồn tôm mẹ mang trứng ngoài tự nhiên hay trong ao nuôi thịt đều có thể sử dụng cho sản xuất nhân tạo được nếu đáp ứng điều kiện khi đánh bắt thu gom không ảnh hưởng đến chất lượng phôi trong trứng. Tuy nhiên, trên thực tế, tôm mẹ mang trứng ngoài tự nhiên chỉ sử dụng cho nghiên cứu còn sản xuất thì không tốt, bởi khi sản xuất cần số lượng lớn, phương tiện đánh bắt thu gom không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng phôi. Vì vậy, sử dụng nguồn tôm này sẽ không hiệu quả.

Nguồn tôm tốt nhất cho sản xuất giống nhân tạo là: phải chủ động lựa chọn tôm bố, mẹ có chất lượng tốt từ các ao nuôi tôm thịt và nuôi vỗ thành thục trong ao riêng. Có chế độ cho ăn đầy đủ về chất lượng và số lượng, chăm sóc tốt. Lựa chọn tôm mẹ đẻ trứng nhiều vì như vậy ấp trứng mới tốt, đạt hiệu quả cao. Thông thường, trong 100 kg tôm mẹ thì tỷ lệ tôm cái mang trứng chiếm 30%, tuy nhiên, chỉ 25 – 30% trong số đó có thể tham gia cho đẻ được.

Hỏi: Biện pháp khắc phục hiện tượng phát sáng ở ấu trùng tôm càng xanh? (Nguyễn Thanh Tâm, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Bệnh thường xảy ra khi ấu trùng được 10 – 20 ngày. Khi bị bệnh, ấu trùng chết rất nhiều và thường chết hàng loạt sau 2 – 3 ngày. Phần gan tụy của ấu trùng tôm co lại, nhỏ hơn so với bình thường, mất sắc tố khi quan sát bằng kính hiển vi. Dấu hiệu lâm sàng thường xuất hiện là: ấu trùng yếu, bơi lội chậm chạp, màu sắc xám nhạt (sau 10 ngày nuôi màu sắc của ấu trùng thường nâu sáng), ấu trùng ăn Artemia ít. Sử dụng thuốc kháng sinh không có hiệu quả khi tôm bị bệnh này. Tốt nhất là xả bỏ, vệ sinh nuôi đợt mới.

Để phòng ngừa bệnh, người nuôi cần vệ sinh kỹ toàn bộ trại sau một chu kỳ sản xuất, phơi khô trại sau 10 ngày, khi nuôi cần quản lý, chăm sóc tốt. Lựa chọn nguồn tôm mẹ có chất lượng, quản lý tốt chất lượng nước; giảm tối đa các hiện tượng sốc do môi trường nuôi. Bên cạnh đó, thức ăn phải có thành phần dinh dưỡng cao, lượng thức ăn vừa đủ. Người nuôi cũng cần tăng đề kháng cho ấu trùng trong khi nuôi như dùng Nucleotide, Vitamin C… Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa sự lây lan khi xuất hiện bệnh. Hàng ngày, xi phông cặn ở đáy bể, lấy mẫu tôm chết và tôm sống để kiểm tra bệnh bằng kính hiển vi để có thể xử lý kịp thời.