Lưu ý sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản

 Hỏi: Hướng dẫn cách sử dụng Chlorine cho ao tôm? (Phạm Văn Phong, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Chlorine là một hợp chất màu trắng dễ tan trong nước, có mùi hắc đặc trưng. Là chất ôxy hóa mạnh, có khả năng sát trùng, diệt khuẩn, diệt tảo và rong rêu trong nước. Các nguồn Chlorine thương mại phổ biến là hypochlorite canxi (Ca(OCl)2) và hypochlorite natri (NaOCl). Do độ pH trong ao nuôi tôm nước mặn, lợ khá cao nên có thể sử dụng Chlorine với nồng độ 5 – 7 mg/l (20 – 30 mg/l của Ca(OCl)2 70%). Tuy nhiên, khi dùng Chlorine sát trùng nước, dư lượng của khí Clo có thể gây độc cho vật nuôi, đặc biệt là ấu trùng tôm. Đồng thời, người nuôi phải lưu ý đến những vấn đề sau: Chỉ nên dùng Chlorine để khử trùng nguồn nước cấp vào đầu vụ nuôi, không nên xử lý Chlorine khi trong nước ao giàu muối dinh dưỡng và chất hữu cơ vào giữa và cuối vụ nuôi. Không bón vôi trước khi sử dụng Chlorine vì sẽ làm giảm tác dụng. Trung hòa Chlorine dư trong ao bằng Natri thiosulfate với tỷ lệ 1:7 (mg/l). Nên chạy sục khí, máy quạt nước để loại bỏ tồn dư của Chlorine trong ao nuôi.

Hỏi: Khi sử dụng hóa chất trong nuôi thủy sản cần phải lưu ý những vấn đề gì? (Nguyễn Văn Tri, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng hóa chất, cần tuân thủ các yếu tố sau:

· Chọn loại hóa chất dễ sử dụng, đơn giản.

· Hóa chất sử dụng phải có hiệu quả và tác dụng nhanh.

· Hiệu quả kinh tế sau khi sử dụng hóa chất.

· Nên sử dụng thuốc, hóa chất vào những thời điểm tôm, cá ít bị sốc nhất trong ngày, thích hợp là khoảng từ 7 – 8 giờ sáng.

·  Phải luôn quan sát cá, tôm trong suốt quá trình trị liệu để có thể xử lý nhanh khi cần thiết. Khi có biểu hiện như bơi lội mạnh bất thường, nổi đầu, lờ đờ, lật ngửa bụng, cần phải có biện pháp can thiệp ngay để tránh tổn thất.

·  Hóa chất dùng xử lý môi trường có rất nhiều loại, vì thế cần phải hiểu hoạt tính của từng loại và dùng đúng theo hướng dẫn để có hiệu quả cao.

· Khi dùng hóa chất để xử lý nước cần phải biết thời gian chúng hết tác dụng để đảm bảo khi đưa vào ao nuôi không ảnh hưởng đến tôm, cá.

·  Dùng hóa chất để xử lý nước cho ao đang nuôi tôm, cá cần phải lưu ý việc hóa chất sẽ làm chết tảo và các vi sinh vật có lợi trong ao. Thông thường, sau khi dùng hóa chất thì môi trường nước có thể thay đổi như tảo chết làm nước ao trong, giảm quang hợp để cung cấp ôxy cho ao, nền đáy ao sẽ dơ hơn do tảo chết lắng xuống.

· Sau khi dùng hóa chất nên cải thiện môi trường ao nuôi, cần cấp thêm nước mới hoặc thay nước, có thể sử dụng môt số chế phẩm sinh học để bổ sung nguồn lợi khuẩn, nhằm làm ổn định môi trường.

· Dùng thuốc, hóa chất xử lý môi trường cần phải dùng đúng liều và dùng một lần, tránh dùng liều thấp và dùng nhiều lần liên tiếp nhau, vì như vậy màu nước ao sẽ mất và khó gây màu trở lại.