Lưu ý khi ăn lẩu để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình

Những ngày trời se lạnh, không gì tuyệt hơn khi được cùng người thân quây quần bên nồi lẩu nóng hổi. Nhưng ăn lẩu như thế nào để tốt cho sức khỏe thì không hẳn ai cũng biết.

Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi ăn lẩu để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình

Cho rau và khoai tây vào nồi lẩu trước

Không ít người có thói quen cho thịt vào trong nồi lẩu ngay từ đầu. Lựa chọn này sẽ khiến thịt tiết ra một lớp dầu dày trước khi bạn cho rau và các thực phẩm khác vào nồi. Chất dinh dưỡng sẽ chuyển thành axit béo bão hòa, gây hại cho cơ thể.

Do đó, bạn nên nhúng rau và các loại củ quả chứa tinh bột vào nồi trước. Tinh bột sẽ giúp bảo vệ dạ dày của bạn nếu bạn ăn lẩu cay hoặc uống bia rượu.

Không ăn quá nóng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên ăn lẩu quá nóng bởi khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chịu được mức nhiệt cao nhất từ 50-60 độ. Trong khi đó, nhiệt độ của nồi lẩu có thể lên tới 120 độ C.

Ăn lẩu quá nóng sẽ khiến khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản bị tổn thương nghiêm trọng, kết hợp cùng vị cay trong lẩu có thể khiến bạn bị viêm loét các bộ phận tiêu hóa.

Do đó, những người bị viêm lợi, người mắc bệnh răng miệng không nên ăn lẩu quá nóng, sẽ làm hỏng men răng, tình trạng viêm lợi và hôi miệng sẽ càng nặng hơn. Có thể dùng đĩa để đựng các thức ăn đã chín trong nồi lẩu ra một lúc cho nguội bớt rồi mới ăn.

Không ăn đồ tái

Nhiều người thích ăn lẩu vì có thể ăn đồ tái, chưa chín hẳn. Nhưng ăn thực phẩm chưa chín hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và quá trinhg hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

Thực phẩm tái tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa ký sinh trùng, sán, có thể gây bệnh nguy hiểm cho bạn.

Thay nước dùng nếu nồi lẩu nấu quá 60 phút

Nồi lẩu khi sôi đi sôi lại chứa rất nhiều chất béo bão hòa, natri, purine, nitrit cũng như các chất có hại. Những chất này có thể khiến bạn mắc bệnh tiểu đường, gout, xơ vữa động mạch và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Do đó, bạn nên dùng khi nồi nước lẩu mới nấu sôi. Với nồi lẩu đã dùng hơn 1 tiếng đồng hồ, bạn nên thay nước lẩu để tiếp tục dùng.

Hạn chế ăn mỳ nấu trước khi kết thúc bữa lẩu

Thói quen nhúng mỳ vào nước lẩu trước khi kết thúc bữa ăn sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn.

Nước lẩu cuối chứa nhiều dầu và chất béo, cùng axit amin của nhiều loại thịt đun nóng liên tục trong thời gian dài. Khi kết hợp với nitrit trong rau nấu chín sẽ tạo thành chất nitrosamine có nguy cơ gây ung thư.