Lúa Nhật được đánh giá cao ở vùng biên viễn

Vụ xuân 2018, từ nguồn vốn chương trình 30a, Trạm Khuyến Nông huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hỗ trợ đồng bào thực hiện mô hình SX 30ha giống lúa Nhật (J02).

13-31-28_lu_j02_cht_dy_dong

Lúa J02 chất đầy đồng

Thực tiễn cho thấy, J02 cho năng suất cao hơn hẳn giống lúa địa phương và đang dần trở thành giống lúa đặc sản trên vùng đất biên viễn này.

Những ngày nắng như đổ lửa, bà con huyện miền núi Kỳ Sơn vẫn nhộn nhịp thu hoạch lúa. Đi đến đâu, họ cũng phấn khởi khoe năm nay được mùa, lúa sắp đầy trên các cánh đồng, chờ máy đến tuốt. Lần đầu tiên Kỳ Sơn có 30ha lúa J02, năng suất cao gần gấp đôi lúa truyền thống lâu nay dân bản vẫn trồng.

Bà Lương Thị Hà ở bản Na, xã Hữu Lập cho biết, vụ xuân 2018, bà được Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn cấp 16kg giống lúa J02 và phân bón. Sau khi gieo mạ phủ ni lông được gần 20 ngày, gia đình bà đem cấy trên những thửa ruộng bậc thang với tổng diện tích 7 sào (3.500m2).

“Ta cấy lúa từ ngày giáp tết âm lịch, nay đã thu hoạch hết. Trên diện tích 7 sào, nếu trồng lúa địa phương thì chỉ được 26 bì (khoảng 1,3 tấn – PV). Còn lúa J02 thì được 42 bì (khoảng 2,1 tấn – PV). Nhờ có cán bộ chỉ dẫn từ việc làm đất, gieo mạ, cấy lúa, chăm bón, thu hoạch nên dân bản mới được nhiều lúa thế này. Mong Nhà nước tìm được nguồn giống tốt để bà con sử dụng sản xuất lâu dài”, bà Hà phấn khởi.

13-31-28_j02_dng_dn_tro_thnh_dc_sn_moi_tren_vung_dt_bien_vien_ky_son

J02 đang dần trở thành đặc sản trên vùng đất biên viễn Kỳ Sơn

Thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn, vụ xuân 2017, J02 được trồng thử nghiệm 6ha tại xã Tà Cạ với năng suất 6 tấn/ha. Vụ xuân 2018, từ nguồn vốn 30a, trạm đã hỗ trợ 1.500kg giống lúa J02 cho các xã Tà Cạ (500kg), Hữu Kiệm (250kg) và Hữu Lập (750kg) triển khai mô hình trên diện tích 30ha.

Ngoài giống, trạm còn hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật và cầm tay chỉ việc để bà con trồng lúa. Có trên 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách này. Kết quả gặt thử cho năng suất ngoài dự kiến, bà con rất phấn khởi.

“Chúng tôi ra tận Phú Thọ để lấy giống và xin tư vấn về kỹ thuật trồng lúa J02. Sau đó, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và trực tiếp cùng đồng bào xuống ruộng. Phân được bón 4 lần; lúa cấy 42 khóm/m2. J02 không khoe bông, ít hạt nhưng hạt to, nặng, tỷ lệ hạt chắc gần như tuyệt đối. Nếu tính mỗi bông chỉ 100 hạt thì năng suất tươi có thể đạt 1,1kg/m2, tức là trên 5 tạ lúa tươi/sào Trung bộ (500m2), trên 3 tạ lúa khô/sào.

Ưu điểm của J02, ngoài chất lượng thơm ngon được xếp vào tốp đầu hiện nay thì năng suất ổn định, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu mát, lạnh ở Kỳ Sơn, tỷ lệ gạo xát cao, gạo ít bạc bụng. Theo thống kê, năng suất bình quân lúa J02 đạt 5,9 tấn/ha, cá biệt như ở xã Tà Cạ đạt 6,4 tấn/ha. Nếu tổ chức sản xuất tốt hoàn toàn có thể biến vùng này thành nơi sản xuất lúa J02 hàng hóa”, ông Nguyễn Tất Hòa, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn cho biết.

13-31-28_dong_bo_mong_muon_duoc_mo_rong_dien_tich_j02

Năng suất J02 vượt trội so với các giống lúa địa phương khác tại Kỳ Sơn

Bà La Thị Hồng Anh, Chủ tịch HND xã Hữu Lập cho biết thêm, năng suất, chất lượng J02 được đồng bào đánh giá cao nhưng do diện tích ít nên chủ yếu giữ lại để sử dụng: “Đồng bào lần đầu tiên làm giống lúa này. Đến nay đã gặt hết, năng suất bình quân đạt 5,9 tấn lúa khô/ha. Trong khi đó, giống lúa truyền thống ở đây chỉ cho năng suất 3,2 – 3,5 tấn/ha. Người dân thị trấn xuống đây tìm mua lúa khô với giá 10 nghìn đồng/kg nhưng gạo ngon quá, đồng bào để ăn, không bán”.

Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập hào hứng: “Hữu Lập còn nghèo lắm! Nay hết chương trình hỗ trợ rồi, dân bản chỉ mong huyện tìm được nguồn giống tốt để bà con sản xuất được nhiều hơn nữa. Giống lúa này ngon tuyệt, năng suất lại cao, nếu sản xuất được nhiều để bán thì dân bản sẽ có cơ hội thoát nghèo”.
Theo Nongnghiep.vn