Lúa Đông Xuân ở ĐBSCL: Tập trung xuống giống sớm nhất có thể

Lũ ở ĐBSCL vẫn còn cao và đang rút chậm nhưng nhiều nơi nông dân chấp nhận tốn chi phí bơm rút nước ra để xuống giống lúa đông xuân (ĐX) 2018 – 2019 sớm nhất có thể. 

Vì theo dự báo, lượng mưa những tháng còn lại của năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, khô hạn, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra sớm, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

16-29-52_2nong_dn_dbscl_tt_bt_vo_vu_lu_dong_xun_som_116-29-52_1nhieu_noi_nong_dn_chp_nhn_ton_chi_phi_bom_rut_nuoc_r_de_xuong_giong_lu_dong_xun_som_nhm_trnh_hn_mn_vo_cuoi_vu
Nhiều nơi nông dân chấp nhận tốn chi phí bơm rút nước ra để xuống giống lúa đông xuân sớm nhằm tránh hạn, mặn vào cuối vụ

Phải đảm bảo an toàn

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ ĐX 2018 – 2019: toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1.652.500ha, giảm 700ha; trong đó ĐBSCL gieo sạ 1.573.100ha, giảm 400ha so với vụ ĐX trước.

Tuy nhiên, dự báo tình hình khí tượng thủy văn sẽ gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp do khan hiếm nước ngọt. Đáng lo ngại là trạng thái El Nino có khả năng xảy ra vào những tháng đầu năm 2019 với xác suất rất cao (khoảng 60 – 70%). Nếu điều này xảy ra thì chu kỳ khô hạn khốc liệt tương tự như mùa khô năm 2015 – 2016 sẽ lặp lại, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp nếu không có giải pháp phòng tránh hữu hiệu.

Chính vì vậy, giải pháp cơ cấu lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý, tập trung xuống giống sớm để tránh hạn, mặn xảy ra vào cuối vụ được các địa phương rất chú trọng, bên cạnh giải pháp công trình.

Lịch thời vụ cho vụ ĐX được Cục Trồng trọt khuyến cáo như sau: Xuống giống sớm từ 10 – 30/10 khoảng 420.000ha. Đợt 1 từ 1 – 30/11 khoảng 600.000ha. Đợt 2 từ 1 – 31/12, xuống giống 450.000ha. Đợt 3, diện tích còn lại gieo sạ trong 10 ngày đầu tháng 1/2019 (khoảng 100.000ha).

Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa ĐX sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn. Mặt khác, theo nhiều dự báo thì việc thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao xảy ra do thiếu nước từ thượng nguồn. Đồng thời chủ động biện pháp thoát ngập nếu có mưa cục bộ xảy ra lớn, có thể gây ngập cho các trà lúa sớm.

Theo đại diện Cục Trồng trọt: “Việc xuống giống lúa ĐX trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn hàng năm. Do vậy, đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa – 1 màu”.

Tất bật vào vụ sớm

Đồng Tháp là địa phương có lịch xuống giống sớm nhất ở ĐBSCL, dự kiến vụ lúa ĐX 2018 – 2019, toàn tỉnh sẽ xuống giống 205.000ha. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 60% diện tích, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 70% diện tích. Áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng chiếm 50% diện tích.

16-29-52_2nong_dn_dbscl_tt_bt_vo_vu_lu_dong_xun_som_316-29-52_2nong_dn_dbscl_tt_bt_vo_vu_lu_dong_xun_som_2
Nông dân ĐBSCL tất bật vào vụ lúa đông xuân sớm

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Đợt 1 dự kiến từ ngày 20 – 31/10 với diện tích từ 30.000 – 40.000ha. Đợt này chủ yếu xuống giống trong những ô bao chắc chắn ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và một số khu vực huyện Tân Hồng… Đây là khu vực có thể bơm rút nước để xuống giống sớm, không bị ảnh hưởng các đợt triều cường. Đợt xuống giống này mực nước lũ còn khá cao, thời gian thu hoạch trước, trong và có thể kéo dài đến sau Tết Nguyên đán 2019. Tùy điều kiện ô bao, thị trường, liên kết tiêu thụ… khuyến cáo nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã chọn các giống thích hợp, có kế hoạch thu hoạch, tiêu thụ, bảo đảm không bị đọng trong những ngày giáp Tết.

Đợt 2 sẽ bắt đầu xuống giống từ ngày 22/11 – 2/12/2018. Đây là đợt xuống giống chủ lực của tỉnh. Các ô bao sản xuất 3 vụ lúa nên kết thúc xuống giống trong đợt này nhằm đảm bảo kế hoạch vụ hè thu và thu đông 2019 an toàn. Đối với các huyện phía nam cần gia cố bờ bao, đề phòng các đợt triều cường sau xuống giống. Ước diện tích xuống giống trong đợt này khoảng 80.000 – 90.000ha.

Ông Lê Văn Hai ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười đã xuống giống hơn 3ha lúa chất lượng cao cho biết, năm nay lũ lớn nên cánh đồng được xả lũ lấy phù sa nông dân đỡ tốn nhiều chi phí, đầu tư ban đầu giảm khoảng 200 – 300 ngàn đồng/công. Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp chúng tôi đã tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ, tránh các đợt mưa lớn sắp tới gây thiệt hại. Đợt xuống giống sớm này có thể thu hoạch lúa trước tết, sẽ bán với giá lúa cao so với vào vụ rộ sau tết.

Tại An Giang, ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt -– BVTV cho biết: Toàn tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 235.200ha. Đợt 1 từ 15/11 đến 25/11 xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông sớm, vùng xả lũ và vùng sản xuất 2 vụ/năm. Đợt 2: từ 10/12 đến 20/12, tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông đại trà.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chọn giống tốt, sử dụng giống xác nhận trở lên đảm bảo chất lượng giống sạch có sức sống mạnh, độ nẩy mầm cao, cần xử lý hạt giống ngăn ngừa bệnh lúa von, đạo ôn, cháy bìa lá… bằng dung dịch nước muối 15%, hoặc có thể dùng chất kích kháng Biosar, thuốc hóa học theo khuyến cáo của nhà SX. Các giống chủ lực như Jasmine 85, OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 4900, OM 7347, OM4218, OM6073, OM6162, Lộc Trời 3… Nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: Nàng hoa 9, Nếp CK 92, Nếp CK 2003, Đài Thơm 8…