Lũ lên nhanh, nông dân đồng bằng sông Cửu Long lo sốt vó, tự hùn vốn gia cố đê bao

Nước lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm trước, cộng với trời liên tục có mưa khiến mực nước ở các sông dâng cao, nhiều nơi nông dân đang lo sốt vó, sợ nước lũ nhấn chìm lúa hè thu và thu đông.

10-52-37_nhieu_noi_nong_dn_dng_lo_sot_vo_so_b_thuy_nhn_chim_ruong_lu_nen_hung_nhu_gop_tien_gi_co_de_bo_chong_lu_1

Nhiều nơi nông dân đang lo sốt vó, sợ nước lũ nhấn chìm ruộng lúa nên hùng nhau góp tiền gia cố đê bao chống lũ

Kiên Giang là tỉnh có diện tích rộng (trên 300.000 ha đất lúa), lại có 3 vùng sinh thái khác nhau nên trên địa bàn tỉnh vừa có lúa hè thu (HT) chưa thu hoạch xong, vừa có lúa thu đông (TĐ) mới gieo sạ. Mặc dù đã nắm được thông tin dự báo về tình hình lũ sớm, lúa gieo sạ phần lớn nằm trong vùng đê bao nhưng nông dân vẫn lo lắng bất an khi thấy nước ngày một dâng cao.

Tại ấp Tân Thành, xã Tân Hòa, Tân Hiệp (Kiên Giang) những hộ dân nơi đây đã tự hùn nhau đóng góp số tiền 55 triệu đồng đề mướn máy Kobe múc đất gia cố bờ bao chung quanh chống lũ, bảo vệ lúa TĐ đang thời kỳ phát triển. Đồng thời, một trạm bơm dã chiến với 3 chiếc máy dầu công suất lớn cũng được lắp đặt, túc trực để sẵn sàng bơm tháo nước ra, chống ngập úng cục bộ. Ông Trần Văn Đặng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Thành cho biết: “Thấy nước cứ ngày một dâng cao nên nông dân rất lo lắng. Để đảm bảo ăn chắc, mọi người họp nhau và thống nhất hùn tiền làm đê bao. Lúa đã gieo sạ được hơn 1 tháng, chi phí đã nhiều, giờ có tốn kém thêm cũng phải ráng giữ cho bằng được, còn hơn là để bị mất trắng”.

Huyện Hòn Đất nằm trong vùng rốn lũ của Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang, chính quyền và người dân đang rất lo lắng khi phần lớn diện tích lúa HT chưa thu hoạch xong, lúa TĐ mới gieo sạ đều có nguy cơ bị thiệt hại khi lũ tràn về. Ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng NN-PTNT Hòn Đất cho biết, tính đến thời điểm này, huyện mới thu hoạch được khoảng 12.000/79.400 ha lúa HT, diện tích còn lại đang thời kỳ trổ, chín. Lúa TĐ nông dân đã xuống giống hơn 6.500 ha. Lo ngại lúa bị lũ nhấn chìm, nhiều hộ dân đã tự hùn nhau gia cố đê bao nội đồng, thiết lập trạm bơm để chống ngập úng.

“Mặc dù cả diện tích lúa HT và TĐ của huyện đều nằm trong vùng quy hoạch, có đê bao nhưng với tình hình lũ sớm, cộng với diễn biến mưa bão bất thường nên vẫn có nguy cơ bị thiệt hại. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cũng như người dân luôn theo dõi sát tình hình diễn biến của nước lũ, khi cần thiết là phải huy động lực lượng gia cố đê bao ngay, không để xảy ra thiệt hại”, ông Nha lo ngại.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang thì phần lớn diện tích lúa TĐ 2017 của tỉnh tập trung ở 2 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, nằm trong vùng ngập nông và có đê bao khép kín nên không quá lo ngại. Còn tại Hòn Đất, cần tập trung bảo vệ và thu hoạch dứt điểm lúa HT, vì diện tích còn rất lớn. Sở cũng đã có chỉ đạo các địa phương cần tập trung bảo vệ sản xuất lúa HT và TĐ 2017 và chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ. Vì theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và nhiều khả năng lũ sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 9 tới. Khi lũ dâng cao, 2 đập tràn Tha La và Trà Sư (An Giang) sẽ được mở để thoát lũ, lượng nước sẽ dồn về các cánh đồng vùng Tứ giác Long Xuyên, nếu gặp thêm triều cường sẽ gây ra tình trạng ngập úng.

10-52-37_nhieu_noi_nong_dn_dng_lo_sot_vo_so_b_thuy_nhn_chim_ruong_lu_nen_hung_nhu_gop_tien_gi_co_de_bo_chong_lu_3

Gia cố đê bao chống lũ

Ở những huyện đầu nguồn, dù người dân đã chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Tại ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú (An Giang), 60 hộ dân ở đây đã cùng nhau đóng góp gần 35 triệu đồng gia cố đê bao, với mong muốn ngăn được nước lũ. Thế nhưng, nước lên quá nhanh đã làm vỡ đê, nhấn chìm 70 ha lúa TĐ sớm, người dân “mất cả chì lẫn chài”.

Ông Nguyễn Văn Ba ở ấp Vĩnh An buồn rầu: “Do lúa mới được hơn 70 ngày đã bị lũ nhấn chìm nên 6 công ruộng của gia đình chỉ thu hoạch được hơn chục bao toàn lúa xanh, không đủ tiền thuê người đắp đê, nói chi thu lại vốn”.

Ông Võ Văn Viên, Phó trưởng ấp Vĩnh An cho biết, nhiều năm trước vụ TĐ được người dân thực hiện thắng lợi do lũ về muộn, thậm chí không có lũ. Tuy nhiên năm nay do lũ bất ngờ về sớm hơn gần 1 tháng nên bà con trồng lúa trở tay không kịp. Mặc dù khi phát hiện lũ về, người dân đã chủ động hùn tiền với nhau đắp đê tạm ngăn lũ nhưng vẫn không ngăn được, đành chịu thất thu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang: Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ TĐ 2017 trước mùa lũ lớn năm nay, chúng tôi đã cho gia cố 95/111 công trình đê bao chống lũ, chiều dài 65.969/139.882 m. Ngoài ra, còn thực hiện nạo vét 136/148 công trình, chiều dài 201.993m. Đồng thời khuyến cáo người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, phải nằm trong đê bao an toàn, bảo đảm xuống giống tập trung, đồng loạt, không gieo sạ tự phát, phân tán. Đối với các vùng ngoài đê bao và vùng xả lũ tuyệt đối không xuống giống lúa TĐ mà nên chuyển sang nuôi thủy sản hoặc trồng các loại rau thủy canh nhằm tăng thu nhập cho người dân trong những tháng lũ về. Trên tinh thần luôn sẵn sàng chủ động lên phương án phòng chống thiên tai, tránh tâm lý chủ quan.

Lũ ĐBSCL lên nhanh nhấn chìm hàng trăm hecta lúa, nhiều nơi ‘mất ăn’

Cận cảnh dân miền Tây mưu sinh mùa lũ lớn​

Theo Nông nghiệp