Long An tạo đột phá về ba cây và một con ứng dụng công nghệ cao

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào việc sản xuất nông nghiệp, tỉnh Long An đã thu được nhiều thành tựu đáng kể. Theo đó, lợi nhuận từ sản xuất công nghệ cao cao hơn sản xuất theo phương thức truyền thống.

(Hình ảnh minh họa)

Tỉnh Long An hiện có hơn 5.400 ha lúa sản xuất bằng ứng dụng công nghệ cao, tăng lợi nhuận từ 4-6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Riêng cây rau có 1.300 ha, năng suất tăng từ 5 đến 20%, lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 2-7 triệu đồng/1.000 m2. Hơn 900 ha cây thanh long được ứng dụng công nghệ cao kết hợp quy trình sản xuất VietGAP đã giúp nông dân tiết kiệm 80% công lao động, tiết kiệm điện năng, lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón…; lợi nhuận tăng thêm khoảng hai đến 2,5 triệu đồng/ha. Đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ gần 160 con bò cái sinh sản và gần 2.200 liều tinh bò thịt chất lượng cao để người nuôi nhân giống đàn bò.

Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2020 có bốn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, gồm: vùng trồng lúa với 20 nghìn ha, thanh long 2.000 ha, rau 2.000 ha và vùng bò thịt 5.000 con; có từ một đến hai doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

(Hình ảnh minh họa)

Để đạt mục tiêu, cùng với việc đề ra nhiều giải pháp, lãnh đạo tỉnh chủ động đối thoại với nhân dân về thực hiện “Chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp” để tiếp tục có cơ chế khuyến khích phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, điều hành, phối hợp MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, giải pháp thực hiện ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở vùng dự án trọng điểm; tích cực xây dựng hoàn chỉnh các mô hình hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao; triển khai tốt công tác quy hoạch, bảo đảm phân vùng sản xuất theo quy hoạch phát triển nông – lâm – ngư nghiệp đến năm 2030. Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp gắn kết hơn với nông dân thuộc các vùng dự án công nghệ cao, có đầu tư hiệu quả về vốn, khoa học kỹ thuật, thiết bị sản xuất…, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc. Các tổ hợp tác, hợp tác xã cần tiếp tục có sự đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao nhận thức của các xã viên về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, liên kết bền vững với các doanh nghiệp.