Lợn nội dư thừa, vẫn nhập trên 3.263 tấn thịt lợn ngoại mỗi tháng

Vì sao thịt lợn trong nước không thiếu, thậm chí đã có thời điểm khốn đốn vì dư thừa, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài?

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập 19.581 tấn thịt lợn các loại. Tính bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập trên 3.263 tấn thịt, trong đó có gần 1.200 tấn thịt lợn từ Ba Lan, trên 766 tấn từ Tây Ban Nha với giá nhập trung bình khoảng 26.500 đồng/kg.

“Chở củi về rừng” khi nguồn cung không thiếu

Theo các chuyên gia về chăn nuôi, thế mạnh của Việt Nam là chăn nuôi lợn thịt. Đây là mảng được coi là phát triển nhất của ngành chăn nuôi so với các mảng chăn nuôi khác như gia cầm, bò, dê… Thống kê cho thấy, đến tháng 8.2018, tổng đàn lợn cả nước ước tính tăng khoảng 0,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Như vậy, rõ ràng là nguồn cung trong nước không thiếu.

Thế nhưng, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị NK chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2018 đã tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 1,55 tỉ USD), ước giá trị NK chăn nuôi tháng 8.2018 đạt 161,67 triệu USD, nâng giá trị NK ngành hàng chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,71 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính bình quân mỗi tháng, Việt Nam nhập trên 3.263 tấn thịt, hai thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam là Ba Lan và Tây Ban Nha; trong đó, Ba Lan là thị trường nhập nhiều nhất với 7.035 tấn, kim ngạch trên 8 triệu USD; Tây Ban Nha xuất khẩu sang Việt Nam 4.460 tấn, kim ngạch gần 4,8 triệu USD.

Ngoài ra, số lượng thịt lợn NK từ các thị trường khác cũng đạt gần 8.000 tấn với kim ngạch hơn 9,4 triệu USD. Nếu như năm 2017, lượng thịt lợn nhập cả năm hơn 33.100 tấn, trung bình mỗi tháng hơn 2.700 tấn, mỗi ngày nhập hơn 91 tấn, thì lượng thịt lợn ngoại trong 6 tháng năm 2018 đã tăng khá mạnh, bình quân mỗi tháng tiêu thụ thêm 17 tấn so với lượng tiêu thụ bình quân của cả năm 2017.

Thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan được bán tại Việt Nam. Ảnh: PV

Thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan được bán tại Việt Nam. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) – nhiều lần khẳng định: Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm số lượng lợn, hoặc “treo chuồng” không nuôi, nhưng số lượng lợn tại các trang trại lớn vẫn rất nhiều, đủ cung ứng tiêu dùng trong nước, thậm chí xuất khẩu.

Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng thông tin: Hiện nay số lượng lợn thịt tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn hàng đầu của Việt Nam này số lượng lợn thịt vẫn đủ để cung ứng cho thị trường, hoàn toàn không có chuyện khan hiếm lợn.

Thịt lợn NK giá rẻ chỉ bằng một nửa, “làm khó” thịt lợn trong nước

Trong 3 tháng qua, giá lợn hơi trong nước có xu hướng biến động mạnh, đặc biệt có thời điểm đã tăng mạnh và chạm mốc 57.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua tại một số tỉnh miền Bắc. Giá lợn hơi trong tháng 8.2018 tiếp tục duy trì ở mức cao trên phạm vi cả nước, hiện tại giá lợn hơi đang được thu mua tại miền Bắc với mức 52.000-55.500 đồng/kg, giá tăng trên 200% so với thời điểm thấp nhất năm 2017 (giá 19.000-20.000 đồng/kg).

Với số lượng thịt lợn NK trong 6 tháng đầu năm 2018 lên tới 2.806 tấn, trị giá 4,88 triệu USD, tương đương 1.739 USD/tấn, tính bình quân mỗi ngày khoảng 108 tấn thịt lợn nhập ngoại được đưa ra thị trường.

Điều đáng nói là, giá thịt lợn ngoại NK về Việt Nam 6 tháng qua có xu hướng giảm so với cả năm 2017: Cả năm 2017 giá thịt lợn nhập đạt trung bình 28.000 đồng/kg, nhưng giá thịt nhập ngoại 6 tháng qua nhập về Việt Nam chỉ khoảng 26.000 đồng/kg, chưa kể giá thịt lợn nhập từ Tây Ban Nha chỉ trên 23.000 đồng/kg.

Với mức giá này, thịt lợn NK rẻ gấp 2, thậm chí gấp 3 lần giá thịt trong nước. Điều này thực sự đã “làm khó” ngành chăn nuôi và các trang trại, hộ chăn nuôi lợn.

Theo các chuyên gia chăn nuôi, nguồn cung thịt lợn trong nước không thiếu.

Theo các chuyên gia chăn nuôi, nguồn cung thịt lợn trong nước không thiếu.

Tại sao biết “làm khó” nông dân vẫn cho NK thịt ngoại ồ ạt?

Trước mức giá “siêu rẻ” này, nhiều người tiêu dùng đã cân nhắc giữa việc chọn mua thịt lợn nội và thịt lợn ngoại. Chị Nguyễn Lan Chi (phố Phạm Thận Duật-Mai Dịch-Cầu Giấy-Hà Nội) làm phép tính đơn giản: Đang thời điểm giao mùa, các loại rau đều đắt, trong khi giá thịt lợn nội lên tới 70.000-80.000 đồng/kg, nhưng giá 1kg thịt lợn NK chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng/kg, chỉ tương đương giá của 1,2kg đậu côve, 1,5kg cải ngọt, 2kg cà chua…

“Với mức giá này, không trang trại chăn nuôi nào trong nước cạnh tranh nổi” – chủ một trang trại chăn nuôi lợn tại Chương Mỹ (Hà Nội) cảm thán!

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) từng thừa nhận, giá thịt lợn ở Việt Nam đang ở mức cao, tại thời điểm này giá thịt lợn ở Việt Nam đang ở nhóm cao nhất thế giới. Điều này khiến thịt lợn giá rẻ từ các nước có nguy cơ tràn vào Việt Nam, chẳng hạn như thịt lợn Trung Quốc hay các nước Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ba Lan…

“Doanh nghiệp chúng tôi kinh doanh, điều gì pháp luật không cấm là chúng tôi làm. Hiện nay thịt lợn NK đang bán chạy bởi giá rẻ hơn so với thịt lợn trong nước, nên doanh nghiệp tranh thủ kinh doanh để bù vào những thời kỳ khó khăn” – chủ một doanh nghiệp chuyên NK thịt đông lạnh nêu ý kiến.

“Trong giai đoạn hội nhập, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, thì việc xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm là hết sức bình thường, chúng ta không thể “ngăn sông cấm chợ”” – một đại diện của ngành Công Thương nêu ý kiến.

Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn hiện nay, để cạnh tranh được với thịt ngoại, các DN và người chăn nuôi phải cải tiến cách quản lý, đầu tư công nghệ, tăng chất lượng, giảm giá thành. Chúng ta không thể vì bảo hộ nông dân mà cực đoan “đóng cửa” với thương mại thế giới.

Trước tình trạng giá thịt lợn không ngừng tăng cao, Bộ NNPTNT đã gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn chương thống kê nhanh quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2.2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.