Lợn hơi hạ giá, tiểu thương lại khóc!

Mặc dù giá lợn hơi giảm từ 3.000 – 4.000 đồng/kg nhưng khoảng một tuần nay, thương lái ở chợ đầu mối gia súc ở xã Bối Cầu (huyện Bình Lục, Hà Nam) lại đứng trước tình cảnh thua lỗ, bởi giá thịt lợn thành phẩm cao, khách hàng chuyển hướng tiêu dùng, dẫn đến lợn hơi khó tiêu thụ.

Lợn hơi hạ giá, tiểu thương lại... khóc! - Ảnh 1.

Thương lái tại chợ gia súc Bối Cầu (Hà Nam) đứng trước nguy cơ thua lỗ. Ảnh: Bảo Loan

Chăn lợn cầm hơi chỉ mong xuất được chuồng

Khoảng một tuần nay, giá lợn hơi tại Hà Nam bắt đầu hạ, từ ngưỡng 97.000 đồng/kg xuống còn khoảng 90.000 đồng/kg. Trong bối cảnh nguồn cung thiếu và giá thịt lợn “vỡ trận” thì việc hạ giá lợn hơi chắc chắn là thông tin đang được người tiêu dùng mong đợi, tuy nhiên, với các thương lái thì hoàn toàn ngược lại.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội trong những ngày chạm kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2020, các tiểu thương tại chợ đầu mối lợn xã Bối Cầu cho biết, dù giá lợn hơi giảm nhưng thịt thành phẩm vẫn ở ngưỡng từ 170.000 – 220.000 đồng/kg, người tiêu dùng chuyển hướng tiêu dùng sang các loại thịt khác, dẫn đến sức mua giảm. Khi sức mua đã giảm thì lượng lợn tồn đọng ở chợ đầu mối Bối Cầu ngày càng nhiều.

Anh Nguyễn Văn Sao (48 tuổi, tiểu thương tại chợ xã Bối Cầu) cho biết: “Số lượng lợn của tôi tại chợ hiện còn khoảng gần 70 con, chúng tôi mua lợn hơi từ các hộ chăn nuôi giá đã lên đến 88.000 – 90.000 đồng/kg hơi, tùy loại. Bây giờ, dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt thành phẩm vẫn không giảm thì chúng tôi còn mất ăn mất ngủ, bởi ở khu vực Hà Nam, nhu cầu người dùng thịt lợn không thể nhiều và bình ổn như ở các đô thị, trong khi đó, thu nhập người dân thấp hơn nên họ sẵn sàng chuyển hướng sang các loại thịt khác để tiết kiệm. Khi sức mua của người tiêu dùng suy giảm thì lượng lợn hơi bán ra cũng suy giảm theo. Số lợn đang nhốt tại chợ là 68 con, chưa kể 13 con lợn tồn từ tuần trước, vì không tiêu thụ được nên lợn tồn vài ba ngày là bắt đầu hao, ít nhất là từ 8 – 9kg/con. Mấy ngày nay, chúng tôi chỉ cho ăn cầm hơi, mà lợn càng hao thì chúng tôi càng thất thu, nếu cứ đà không tiêu thụ được thế này hoặc vài ba ngày tới, khi giá lợn hơi tiếp tục giảm thì chúng tôi sẽ lỗ nhiều hơn”.

Chung tình cảnh với anh Sao, anh Trần Văn Phước (46 tuổi, tiểu thương đến từ xã Hưng Công, huyện Bình Lục) cho biết: “Lúc thịt lợn lên giá thì người dân không bán, cứ gom lại chờ giá lên cao nữa mới bán, cho đến khi thấy giá bắt đầu hạ là dân tình mới đổ xô ra bán. Dẫn đến thị trường đã ế rồi càng ế. Tuần trước, tôi mua gom ở các xã khu vực được 65 con nhưng hơn một tuần trôi đi, bây giờ còn tồn 14 con. Vì sức tiêu thụ giảm nên chắc chắn tôi sẽ lỗ khoảng 30 triệu đồng cho lứa lợn vừa rồi”.

Cũng theo anh Phước, ở thời điểm hiện tại, khi giá lợn thành phẩm không có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì lượng lợn hơi tiêu thụ ra thị trường cũng giảm một nửa so với năm ngoái. Vì giá lợn hơi thay đổi, nên mỗi ngày các đầu mối thu mua lợn cũng sốt ruột như “ngồi trên lửa” bởi thu mua thì dễ mà bán ra lại khó.

Bà Phạm Thị Trang (58 tuổi, ở Mỹ Lộc, Nam Định) cho hay: “Trước kia, tôi có lò mổ, lượng tiêu thụ bán ra khoảng 12 – 13 con/ngày. Để đáp ứng được số lượng lợn mổ ra thị trường, nhân viên lò mổ phải bắt tay vào sơ chế từ khi gà gáy canh một để kịp cho các tiểu tương đến mua lẻ bán chợ sáng. Tuy nhiên, bây giờ, lượng mổ giảm xuống còn khoảng 5 – 6 con/ngày. Đi bắt lợn thì giá cao, bán thịt thành phẩm giá cũng cao, người dân thì căn cơ chi tiêu, bây giờ, cứ hàng gì đắt quá là người dân không mua nên chúng tôi cứ bị quàng vào cảnh dễ mua khó bán, đằng nào cũng bị hao hụt, thua lỗ không nặng thì nhẹ nên chúng tôi rất lo lắng”.

Người chăn nuôi “rón rén” tái đàn

Trong bối cảnh giá thịt lợn đang “vỡ trận” vì thiếu nguồn cung, các cơ quan quản lý nhà nước đều khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại để đảm bảo hơn nữa việc tái đàn, đáp ứng nhu cầu thịt lợn đang bị thiếu hụt. Tuy nhiên, không ít người chăn nuôi chỉ “rón rén” tái đàn vì nhiều lý do.

Ông Phạm Văn Thịnh (55 tuổi, ở khu 5 xã Ngọc Lũ, Bình Lục) là một ví dụ. Từ khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm đến khu vực tỉnh Hà Nam, chuồng lợn 400 con của gia đình ông Thịnh cũng bị ảnh hưởng. Số tiền thu lại từ việc bán nhanh, bán gấp cũng không đáng kể, bởi sau khi tất toán, số nợ của gia đình ông vẫn chạm ngưỡng 300 triệu đồng. Cho đến bây giờ, khi dịch tả lợn châu Phi đã qua đi, ông Thịnh và những hộ chăn nuôi khác trong khu vực chỉ dám tái đàn với số lượng hạn chế.

Ông Thịnh cho biết: “Mặc dù thiếu nguồn cung thịt lợn ra thị trường nhưng chúng tôi vẫn không dám tái đàn nhiều, lỡ dịch lại đến thì người chăn nuôi như chúng tôi không biết sống sao. Hơn nữa, làm gì còn vốn nữa đâu mà chi trả, đầu tư cho tái đàn (?). Vì thế, hai tháng vừa rồi, mỗi lần tán đàn, nhà tôi chỉ tái khoảng 10 con. 3 lần tái đàn, nhà tôi chỉ nuôi khoảng 30 con lợn. Tái đàn hạn chế như thế này, chúng tôi vừa không bị nợ lại vừa có thể nghe ngóng được tình hình dịch. Nếu trong trường hợp dịch tái diễn thì chúng tôi cũng không quá lo lắng. Hơn nữa, 3 lứa tái đàn này, cứ khoảng 50 – 60kg là chúng tôi bán đi luôn”.

Mặc dù vừa “rón rén” tái đàn vừa nghe ngóng nhưng sau đại dịch tả lợn châu Phi, những người chăn nuôi như ông Thịnh vẫn không thoát khỏi sự lo lắng bởi dù muốn tái đàn số lượng nhiều để nhanh chóng phục hồi đàn lợn thì nỗi lo về dịch tái diễn dẫn đến thua lỗ càng lớn.