Logistics thủy sản toàn cầu biến động

Đại dịch COVID-19 đang làm thị trường toàn cầu chao đảo. Nhiều quốc gia đã phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn lây lan dịch, khiến thương mại thủy sản toàn cầu có nguy cơ đối mặt tăng trưởng chậm và kéo dài.

Kênh dịch vụ thực phẩm sụp đổ

Lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại trên toàn cầu đang thay đổi các hình thức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng do đại bộ phận người dân khắp nơi chuyển sang kênh bán lẻ và ăn uống tại nhà; điều này đang tác động đến nhiều ngành, đặc biệt là dịch vụ ẩm thực. Theo Paul Aandahl, chuyên gia thị trường thủy sản tại Hội đồng thủy sản Na Uy (NSC): “30% lượng tiêu thụ cá hồi của châu Âu nằm ở khối nhà hàng, khách sạn và căng tin. Với cá hồi Na Uy, phân khúc này chiếm tới 24% tổng khối lượng tiêu thụ”. Xuất khẩu cá hồi Na Uy trong 2 tháng đầu năm sang Trung Quốc chỉ đạt 363 tấn, sụt giảm 83% so cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh họa

Hãng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, McDonals đã quyết định đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Anh và Ireland trước ngày 23/3 cùng thông báo chỉ hoạt động trở lại nếu dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn. McDonalds cũng đã đóng cửa toàn hệ thống tại Italy và Tây Ban Nha. Với các nguồn cung nguyên liệu cho McDonals, đây quả là một cú sốc lớn bởi công ty này là kênh tiêu thụ lớn nhất của một số sản phẩm thủy, hải sản, như tôm thẻ hoặc cá Pollock Alaska.

Tại Ireland, các doanh nghiệp cá thịt trắng và nhuyễn thể đang khốn đốn; hầu hết các công ty vẫn tiếp tục gắng gượng sản xuất vì vào thời điểm dịch bệnh như hiện nay, thực phẩm vẫn cần nhu yếu phẩm hàng đầu. Hai tuần trước, các hãng chế biến cá biển khơi tại Ireland đã chuyển từ sản xuất cá thu mackerel sang cá tuyết xanh làm thực phẩm, hầu hết xuất khẩu sang châu Phi. Ngành cá thịt trắng châu Âu đang lao dốc, phần lớn do nhu cầu tiêu thụ tại Tây Ban Nha, Pháp và nhiều nước châu Âu khác sụt giảm mạnh chưa từng có bởi COVID-19.

Các hãng chế biến nhỏ hơn, cung cấp nguyên liệu cho chuỗi dịch vụ ẩm thực có nguy cơ phá sản do quán bar và hầu hết khách sạn, nhà hàng đã đóng cửa. Nhu cầu tiêu thụ cá tươi vẫn đang giảm mạnh; tình trạng thiếu container đông lạnh diễn ra khắp nơi, trong khi nhiều kho lạnh đã quá tải. Sau khi các thị trường thủy sản tại Trung Quốc, Tây Ban Nha và Pháp đóng cửa, ngư dân vùng Cornwall tây nam nước Anh tuyệt vọng tìm đầu ra. Kết quả, giá cá Pollock tại Newlyin, Cornwall đã giảm từ 3 bảng Anh/kg xuống mức đáy 0,41 bảng Anh/kg chỉ trong 1 tuần. Lệnh đóng cửa quán bar và nhà hàng tại Tây Ban Nha khiến giá nhuyễn thể giảm 80% tại các chợ thủy, hải sản chính. Theo Guardian, COVID-19 là một cú sốc lớn với thương mại thủy sản toàn cầu. Tại Anh, ngành thủy, hải sản thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch này bởi hàng loạt kênh tiêu thụ là các nhà hàng dịch vụ ẩm thực và thị trường châu Âu đều bị tê liệt. Anh xuất khẩu gần 70% thủy sản khai thác sang châu Âu và châu Á. Hai sản phẩm giá trị cao nhất như cá bơn Dover và tôm hùm được tiêu thụ chủ yếu tại các kênh dịch vụ ẩm thực.

Woodstown Bay Shellfish, hãng nuôi hàu lớn nhất châu Âu cũng đối mặt thảm cảnh khi không xuất được lô hàng nào sang châu Á suốt 3 tháng đầu năm do COVID-19 bùng phát. Trước đó, công ty này thường xuất khẩu 100% hàu sống sang Trung Quốc và Hồng Kông bằng đường hàng không. Trong khi đó, hàng loạt sự kiện như Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, Brussels hay World Aquaculture cũng hoãn đến cuối năm hoặc chưa xác định thời hạn, khiến kế hoạch quảng bá sản phẩm để kích cầu tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn.

Nỗ lực duy trì hoạt động

Paul Aandahl cho rằng, tín hiệu tích cực duy nhất hiện nay là thị trường Trung Quốc đang được “kích hoạt”, mặc dù khối lượng và tốc độ nhập khẩu hàng hóa của thị trường này vẫn chưa phục hồi như trước. Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu trở lại cách đây 2 tuần; đây là một tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ cứu vãn được thị trường thủy sản toàn cầu đang lao dốc như hiện nay.

Theo Willem van der Pijl, chuyên gia phân tích ngành tôm và sáng lập Seafood Trade Interlligence Portal, những nhu cầu thị trường khác nhau với mặt hàng thủy sản, đặc biệt là tôm tại châu Âu và sự bùng nổ ngắn hạn của kênh bán lẻ sẽ bù lại sự sụt giảm đáng kể của ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Tại châu Âu, các hãng sản xuất thực phẩm cho kênh bán lẻ đang quá tải đơn hàng và đều hoạt động hết công suất để cung cấp hàng hóa cho các siêu thị. Đặc biệt, thủy sản đóng hộp, xông khói hoặc đóng gói bán lẻ và thực phẩm ăn liền luôn cháy hàng. Do đó, nhiều hãng cá tươi đã nhanh trí chuyển sang cung cấp hàng đông lạnh, hoặc ăn liền.

Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ trợ cấp cho ngư dân và người lao động trong ngành NTTS bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khoảng 120.000 EUR thông qua hình thức ưu đãi thuế hoặc giãn nợ đến 31/12. Hiệp hội Sản xuất cá hồi Scotland (SSPO) đang làm việc với Chính phủ Anh và Scotland để giữ cá trong ao lâu hơn và bàn các giải pháp khác giúp nông dân ứng phó linh hoạt trước tình trạng thị trường có nguy cơ bị sụp đổ hoặc gián đoạn. Hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Mỹ (AFIA) cùng 23 bang và nhiều tổ chức, vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đề xuất chính quyền bang trên cả nước cho phép họ duy trì hoạt động hoặc tạo hướng tiếp cận kinh doanh để cung cấp thức ăn chăn nuôi trong khi chính phủ có ý định đóng cửa các hoạt động kinh doanh không cần thiết để kìm hãm lây lan COVID-19.