Lo không ngớt nguyên nhân khiến giá lợn nhích tăng

Giá lợn hơi đã tăng khoảng 1.000 đồng đến trên dưới 3.000 đồng/kg. Nhưng, đáng lo ngại khi thương lái Trung Quốc – tác nhân chính của việc làm giá lợn hơi rớt thê thảm, lại được cho là người “giải cứu” lợn.

Mừng ít lo nhiều bởi nguyên nhân khiến giá lợn nhích tăng

Nhích tăng trở lại

Giá thịt lợn hơi tại các trang trại VietGap, nơi đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch đạt 35.000-40.000 đồng/kg tùy trọng lượng, loại giống; đối với các trang trại chăn nuôi nông hộ đang chào bán với mức giá 28.000-30.000 đồng/kg.

Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương, giá lợn hơi đã bắt đầu nhích tăng lên vào khoảng gần 3.000 đồng/kg, so với mức giá những ngày cuối tháng 4.

Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ một trang trại lợn tại Mỹ Đức (Hà Nội), cho biết giá mua tại các trang trại những ngày đầu tháng 5 là 19 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 3 nghìn đồng so với thời điểm thấp nhất vào tuần trước. Tại Hà Nam, Hưng Yên, thương lái cũng đã thu mua lợn với giá 19 nghìn đồng/kg, tăng từ 1 – 2 nghìn đồng.

Đặc biệt, theo nhiều hộ kinh doanh, số lượng lợn loại 1,4 – 1,5 tạ/con đã có dấu hiệu khan hàng nên dự tính trong những ngày tới giá tiếp tục tăng. Cùng với giá lợn thịt, lợn giống loại 20 cân hiện đã tăng giá gấp đôi, đạt mức 400 – 500 nghìn đồng/con.

Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực đó chỉ mới xuất hiện ở các trại lợn lớn khi giá lợn tại các trang trại bao giờ cũng cao hơn 2-3 giá so với các hộ nuôi. Hiện, giá bán tại các hộ dân chỉ khoảng 17 nghìn đồng/kg lợn hơi.

Nguyên nhân nào dẫn đến việc giá lợn có dấu hiệu phục hồi trở lại những ngày đầu tháng 5?

Các giải pháp mà các bộ ngành đưa ra như kêu gọi các doanh nghiệp vào thu mua cấp đông hay khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi, kêu gọi người dân tiêu thụ thịt lợn… cũng là các giải pháp khá tốt có thể giúp giá lợn tăng ít, nhiều.

Nhưng, nhiều hộ chuyên bán lợn giống tại Hà Nội cho hay, lý do lợn giống tăng giá chủ yếu là do xuất sang Trung Quốc chứ không phải do hộ chăn nuôi trong nước tái đàn.

Việc thương lái Trung Quốc trở lại nhập lợn mới thực sự là yếu tố quan trọng nhất. Cùng với lợn giống, lợn hơi cũng nhích tăng.

Tuy giá lợn hơi tăng trở lại tuy chưa nhiều, người nuôi vẫn lỗ lớn, nhưng người nuôi lợn đã phần nào bớt hoang mang. Họ hy vọng tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện trong những ngày tới với lượng thu mua của thương lái Trung Quốc tăng lên. Mọi ánh mắt dường như dồn về phía thương nhân Trung Quốc.

Giá lợn xuất chuồng nhích tăng, nguyên nhân chủ yếu do thương lái Trung Quốc trở lại thu mua? Ảnh: HP

Giá lợn xuất chuồng nhích tăng, nguyên nhân chủ yếu do thương lái Trung Quốc trở lại thu mua? Ảnh: HP

Bao giờ hết phụ thuộc

Những năm vừa qua, điệp khúc thương lái Trung Quốc bất ngờ ào ạt mua vét nông sản với giá cao – nông dân đầu tư nuôi trồng cấp tập – thương lái Trung Quốc dừng mua đột ngột – nông sản rớt giá đến đáy đã không còn là chuyện lạ ở một địa phương cụ thể mà có những đợt thu mua nông sản phổ biến trên bình diện cả nước.

Cơn sốt khoai lang, dưa hấu, cà phê, hồ tiêu, đỉa, sừng trâu… đã khiến bao nhiêu gia đình khuynh gia bại sản. Biên giới phía Bắc, hàng đoàn xe dưa hấu đỗ dài dằng dặc chờ sang Trung Quốc, cuối cùng đành đổ bỏ đánh xe về xuôi. Dưa tại ruộng nhà nông vì thế cũng không thèm thu hoạch nữa.

Bài học về nông sản được mùa rớt giá đã diễn ra từ lâu và nguyên nhân tại đâu thì cũng đã rõ. Tuy nhiên đến bao giờ giá thị trường nông sản Việt không bị thương lái nước ngoài dắt mũi thì mới ổn định được.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội đã từng chỉ ra nguyên do là Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và không có những quy định cụ thể, chặt chẽ mang tính ràng buộc giữa các bên.

Không chỉ riêng mặt hàng thịt lợn mà trước đây dưa hấu, chè, rau củ quả, nông dân Việt Nam cũng “điêu đứng” với các thương lái người Trung Quốc.

Đặc biệt, việc xuất khẩu thịt lợn theo con đường tiểu ngạch khiến cho người nông dân Việt Nam luôn rơi vào tình thế bị động.

Thị trường Trung Quốc quá khổng lồ so với nền kinh tế nông nghiệp của ta cho nên việc buôn bán theo đường xuất khẩu tiểu ngạch vào Trung Quốc tưởng tiện lợi nhưng vô cùng nguy hại vì nó không gắn với một cam kết nào cả.

Theo Gia đình & Xã hội