Liên kết sản xuất cam VietGAP, thu lợi cao

Cánh đồng trước đây chủ yếu trồng ngô, giá trị thu được chỉ đạt 50 – 70 triệu đồng/ha/năm, sau khi được chuyển sang trồng cam các loại, giá trị đã tăng lên 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Để làm giàu bằng nghề nông, có rất nhiều người dân tự nguyện kết hợp với nhau thành từng tổ, nhóm sản xuất, rồi đi thuê lại ruộng canh tác không hiệu quả của các gia đình ngoài xã, huyện hoặc ngoài tỉnh, sau đó chuyển đổi cây trồng, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh. Nhờ vậy đã thu được kết quả, mà trong mơ họ cũng khó lòng đạt được…

Nhóm liên kết thuê ruộng sản xuất cam VietGAP của các anh Nguyễn Văn Lục (xã Đặng Xá), Vũ Văn Nghĩa (xã Văn Đức), huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một điển hình.

09-39-12_vuon_cm_duong_cnh_vietgp
Vườn cam sạch của anh Nguyễn Văn Lục

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lục cho biết: Cánh đồng này rộng khoảng 100ha, nằm trên địa bàn 2 xã Kim Sơn và Phú Thụy (Gia Lâm), trước đây chủ yếu trồng ngô, do sản xuất nhờ nước trời là chính. Sau khi được một số người ở các địa phương khác đến thuê lại, chuyển sang trồng cam Vinh, cam Canh đã cho thu nhập khủng.

Mặc dù khiêm tốn không giới thiệu về mình, nhưng tìm hiểu thực tế chúng tôi biết, gia đình anh Lục và anh Nghĩa cũng may mắn thuê và trồng được 15ha cam. Hiện vườn cam của các anh đang trong mùa thu hoạch, sản lượng quả ước đạt gần 300 tấn, giá trị 7,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, được gần 5 tỷ.

Sở dĩ chúng tôi đánh giá anh Lục và anh Nghĩa đã may mắn thuê lại được ruộng canh tác từ cánh đồng nói trên, là vì các xứ đồng ở đây đã được địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đường điện cao thế phủ khắp cánh đồng, hệ thống giao thông nội đồng kiên cố, rất thuận tiện cho triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, khu vực canh tác nằm ngay trên địa bàn Hà Nội, là thị trường tiêu dùng rau, hoa quả lớn nhất nước, rất dễ dàng tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Tuy nhiên Hà Nội cũng là thị trường khó tính trong tiêu dùng các loại nông sản, yêu cầu sản phẩm làm ra phải tươi ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế có sẵn và khắc phục các thách thức đặt ra, anh Lục và các gia đình ở đây đều đầu tư giếng khoan tại chỗ, xây dựng bể lọc và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm công nghệ Israel. Canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ bền vững. Tuân thủ quy trình sản xuất cam VietGAP.

Theo anh Lục, làm theo VietGAP anh không chăm bón cây bằng các loại phân hóa học. Không dùng hóa chất trừ cỏ trong vườn. Chỉ sử dụng tro bếp, lân hữu cơ vi sinh và hạt đậu tương nghiền trong quá trình canh tác. Áp dụng phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM). Ưu tiên sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ hoặc sinh học. Riêng gia đình anh Lục còn cẩn thận tìm mua cả lân hữu cơ vi sinh nhập khẩu từ Bỉ về chăm bón cho vườn cam.

Nét mới trong nghề trồng cam ở đây là: Người làm vườn đã không cố tác động kỹ thuật ép cho cây ra quả hàng năm, nhất là trên giống cam Canh (thường có quy luật ra quả cách năm). Làm như vậy, thu nhập sẽ không bền vững, vườn cây nhanh già cỗi, phát sinh nhiều nấm bệnh hại rất khó phòng trừ.

09-39-12_cnh_dong_lon_sn_xut_cm_vietgp_o_x_phu_thuy_gi_lm_-_h_noi
Ảnh: P.N

Do thuê được diện tích canh tác lớn (5 – 7ha/mỗi gia đình), nên các nhà vườn sở tại đều thâm canh cam theo hướng “một năm lấy quả, một năm nuôi cành”. Để có được sản lượng cam ổn định cung ứng ra thị trường hàng năm. Các chủ vườn đã luân phiên thâm canh khai thác quả trên một nửa diện tích, nửa diện tích còn lại ngắt bỏ hết hoa (nếu có) và chăm sóc cho cây khỏe để khai thác quả năm sau. Cách làm này còn giúp bảo quản quả tự nhiên trên cây, bán dần tới sau tết Nguyên đán, giảm áp lực sản lượng, ổn định giá bán cam.

Bật mí với chúng tôi, anh Lục cho hay, do liên kết làm ăn lớn, các anh đã mua được các vật tư phục vụ sản xuất, trực tiếp từ đại lý cấp 1, với giá hạ hơn 10% so với các cửa hàng cung ứng nhỏ lẻ, giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng thêm thu nhập.