Lão nông tỷ phú

Ông Nguyễn Đức Sơn (68 tuổi, trú xã Điện Thọ, TX Điện Bàn, Quảng Nam) được nhiều người dân trong và ngoài địa phương yêu mến, kính trọng.

Bởi suốt 40 năm qua, ông Sơn đã gắn bó, tận tình giúp đỡ bà con trong việc phát triển kinh tế. Ngoài việc tư vấn và bán thuốc chăn nuôi, ông Sơn còn phát triển trại chăn nuôi bò, heo, gà cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Trại chăn nuôi Tiền Phong của ông tại thôn Kỳ Lam (xã Điện Thọ) hàng ngày rất đông người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi và mua thuốc phòng bệnh cho con vật nuôi. Ông Sơn kể: “Thời chiến tranh, tôi công tác trong đơn vị quân y ở TPHCM. Sau giải phóng, tôi trở về quê khám, chữa bệnh cho người dân. Nghề chăn nuôi đến với tôi như một cơ duyên. Thời đó, trại chăn nuôi Tiền Phong là trại lớn nhất miền Trung, lúc tôi về trại có nhập nuôi 100 con heo ngoại. Heo nuôi được một thời gian ngắn thì mắc bệnh rồi chết dần. Thấy vậy, công nhân trại heo nhờ tôi đến kiểm tra, cứu chữa. Vốn không có kiến thức gì về chăn nuôi, nhưng tôi thử áp dụng cách chữa ở người cho heo. Đầu tiên tôi truyền dịch và tiêm thuốc bổ cho heo, khi thấy heo tỉnh lại thì tiếp tục tiêm các loại thuốc đặc trị với liều lượng vừa phải. Một ngày sau, chúng bắt đầu ăn trở lại, 90 con heo được cứu sống. Kể từ đó tôi cảm thấy mình yêu thích nghề chăn nuôi này nên quyết định chuyển hướng sang tìm hiểu về ngành chăn nuôi”. Đến năm 1990, ông  Sơn tiếp quản trại chăn nuôi Tiền Phong.

Nhiều người đến trang trại của ông Sơn tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi

Để có thêm kinh nghiệm, ông nuôi nhiều con vật nuôi để kết hợp việc thử nghiệm thuốc trên từng loại. Ông tiếp tục học lấy bằng Kỹ sư chăn nuôi, tìm tòi nhiều sách nghiên cứu về chăn nuôi và đến nhiều trại chăn nuôi lớn ở TPHCM học hỏi thêm. “Xưa nay, người dân đã quen với cách nuôi thủ công nên khi gặp dịch bệnh con vật nuôi sẽ chết hàng loạt gây thiệt hại rất lớn. Thực chất công việc chăn nuôi không khó, nếu nắm rõ các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh thì chúng sẽ phát triển khỏe mạnh. Mới đây, tại Quảng Nam xuất hiện nhiều ổ dịch lở mồm long móng nhưng ở khu vực này, gia súc đã được tiêm ngừa trước nên không mắc bệnh, trừ những con được người dân mua từ nơi khác về tôi chỉ định dùng thuốc trong 2 ngày là hết bệnh”-ông Sơn cho biết. Đến nay ông Sơn từng bước mở rộng quy mô trang trại rộng gần 6ha gồm 2 khu vực chăn nuôi heo, gà và khoảng 50 con bò thịt; khu 2 rộng gần 4ha tại cầu Kỳ Lam chủ yếu nuôi bò thả rông. Mỗi năm ông Sơn xuất bán gần 100 con bò, hơn 500 con heo thịt, giống và hơn 3.000 con gà. Ngoài ra ông còn chuyên cung cấp heo, gà, bò giống hoặc mua lại heo, bò của người dân về phòng dịch rồi cung cấp cho các Cty, các trang trại có nhu cầu đặt mua rộng khắp khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trừ chi phí, mỗi năm trại ông Sơn thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Ái, Chủ tịch UBND xã Điện Thọ nhận xét: “Trang trại chăn nuôi của ông Sơn là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở xã. Trại ông giải quyết được 10 lao động tại địa phương. Ngoài việc tư vấn chăm sóc và bán thuốc chăn nuôi, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con những lúc khó khăn nên được người dân yêu mến. Ông còn chủ động liên hệ địa phương hỗ trợ kinh phí giúp đỡ những hộ khó khăn, phát triển hạ tầng vùng nông thôn. Nhiều năm liền ông được nhận Bằng Khen Nông dân làm kinh tế giỏi từ cấp huyện đến trung ương”.