Lào Cai sản xuất trà, cao mềm từ lá Actiso theo chuẩn quốc tế

Actiso trồng tại xã Tả Phìn, Sa Pả (Lào Cai) được chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế GACP-WHO thành trà, cao mềm cung cấp cho cả nước.

Lào Cai là một tỉnh thuộc miền núi Tây Bắc. Nơi đây có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để trồng nhiều loại cây dược liệu, trong đó có Actiso.Để cây dược liệu gắn với đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã khuyến khích thực hiện mối liên kết bốn nhà gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học phát triển cây dược liệu bền vững.

Actiso là cây dược liệu được phát triển tại Lào Cai nhiều năm qua. Ảnh: Bizmedia

Actiso là cây dược liệu phát triển tại Lào Cai nhiều năm qua. Ảnh: Bizmedia.

Giám đốc Công ty TNHH Traphaco Lào Cai Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ: “Về phát triển vùng nguyên liệu Actiso, công ty liên kết chặt chẽ với người nông dân thông qua hợp đồng kinh tế nhằm bảo đảm thu nhập cho họ. Nhà máy cũng được đảm bảo về nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất”.

Cụ thể, công ty thuê đất của người dân, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch từ cây Actiso.

Để nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng nguyên liệu đầu vào, công ty liên kết với Trung tâm Nghiên cứu giống cây ôn đới (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) và Viện Dược liệu tạo ra giống Actiso thích nghi tốt nhất với điều kiện bản địa, đưa vào trồng ở Sa Pa, Bắc Hà.

Công ty hiện đã liên kết với nông dân gây dựng vùng nguyên liệu Actiso ổn định hơn 70 hecta.

Tiêu biểu, tại các xã Tả Phìn, Sa Pả, cây Actiso được trồng trọt, thu hái theo quy trình GACP-WHO (Chứng nhận thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Chương trình trồng Actiso còn được đồng hành bởi dự án BioTrade do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Tổng sản lượng đạt khoảng 600 tấn lá tươi một năm. Đây cũng là một trong những quy trình trồng, thu hoạch cây dược liệu đầu tiên tại miền Bắc được công nhận đạt chuẩn quốc tế GACP.

Người dân tộc tại xã Sa Pả thu hoạch bông Actiso. Ảnh: Bizmedia

Người dân tộc tại xã Sa Pả thu hoạch bông Actiso. Ảnh: Bizmedia.

Cây Actiso trồng từ khoảng tháng bảy, tháng tám dương lịch hàng năm. Sau khi trồng 2, 3 tháng, người dân bắt đầu tỉa lá lần đầu tiên. Các lần tiếp theo cách nhau một tháng. Trung bình, Actiso có thể cho thu hoạch từ 7 đến 9 lứa lá một vụ. Thời gian thu hoạch lá kết thúc vào thời điểm tháng 5, 6, khi cây bắt đầu ra bông.

Lá, bông sau khi thu hoạch được đưa về công ty sản xuất và chế biến trà, cao Actiso theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Trong đó, trà phun sương Actiso, cao mềm Actiso Sapa là một trong những sản phẩm nổi bật.

Trà phun sương Actiso Sapa được bào chế từ nguồn nguyên liệu lá tươi, sử dụng công nghệ sấy phun sương – công nghệ sấy mới, ưu việt, hiện đại, giữ lại tối ưu hoạt chất của cây trong quá trình bào chế. Trà phun sương có tác dụng giải độc gan, hạ mỡ máu, giúp điều trị mụn trứng cá, da sáng khỏe, mịn màng.

Ngoài ra, cây Actiso tại Lào Cai còn nấu ra loại cao mềm. Theo dân gian, cao mềm Actiso thường sử dụng như thảo dược trị một số bệnh về gan, chống viêm, lợi tiểu, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, cải thiện chức năng của túi mật.