Lào Cai: Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên mạ và lúa sớm một vụ vùng cao

Hiện nay, tại Lào Cai, lúa vụ Xuân đang thu hoạch rộ; lúa mùa 1 vụ vùng cao đã cấy được khoảng 7.000 ha, đang giai đoạn đẻ nhánh. Do lúa Xuân vùng thấp đã chín và đang thu hoạch rộ nên trưởng thành rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa Xuân đã di trú và đẻ trứng trên mạ và lúa sớm mùa một vụ vùng cao, làm cho mật độ rầy tăng nhanh, mật độ cục bộ cao.

Kết quả kiểm tra tình hình sâu bệnh hại cho thấy rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại với mật độ phổ biến 200-300 con/m2, cao là 500-700 con/m2, phổ biến là rầy trưởng thành và đang đẻ trứng. Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại cục bộ trên các giống mẫn cảm như BC 15, Séng Cù… với tỷ lệ phổ biến 2-3% đạo ôn lá, cao 10-12% đạo ôn lá, diện tích nhiễm 220 ha tại huyện Mường Khương, Sa Pa. Ngoài ra sâu cuốn lá, ruồi đục nõn, sâu đục thân….phát sinh gây hại rải rác.

Dự báo thời gian từ nay đến trung tuần tháng 7, mật độ rầy lứa 4 vẫn tiếp tục tăng, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ vẫn tiếp tục phát sinh gây hại mạnh trên các trà lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Do số dảnh cơ bản trên lúa vùng cao thấp, trung bình chỉ có từ 4-5 dảnh, kết hợp với việc chăm sóc kém, mật độ, tỷ lệ sâu bệnh cao, nếu không được phòng trừ kịp thời có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa một vụ vùng cao, hạn chế sự tích lũy về mật số và lây lan trên diện rộng, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên mạ và lúa sớm một vụ vùng cao như sau:

Các phòng Nông nghiệp/Kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chủ động kiểm tra tình hình phát sinh, diễn biến tình hình sâu bệnh hại trên các trà mạ và lúa một vụ vùng cao; tổ chức khoanh vùng, thống kê diện tích nhiễm; hướng dẫn nhân dân các biện pháp chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Đối với các diện tích lúa sinh trưởng kém, cần khẩn trương bón thúc phân, kết hợp làm cỏ, sục bùn và phun phân bón qua lá, tạo điều kiện cho cây lúa phục hồi sinh trưởng và tăng sức chống chịu sâu bệnh.

Đối với các diện tích nhiễm sâu bệnh hại, sử dụng các loại thuốc đặc trị phòng trừ kịp thời, cụ thể như: Đối với rầy, sử dụng Victory 585 EC, Actara 25 WG, Nibas 50 EC… phun trừ khi mật độ rầy trung bình từ 3 con/dảnh. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, sử dụng Clever 300 WG, Regent 800 WP, Dylan 10 WG… phun trừ khi mật độ sâu trung bình từ 1,5 con/khóm. Đối với bệnh đạo ôn, dừng bón phân đạm và sử dụng thuốc Fillia 525SE, Fu-Army 40EC, Fujione 40EC… phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện.

Tham mưu UBND các huyện, thành phố các biện pháp kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn nhân dân chỉ phun thuốc phòng trừ khi mật độ sâu, bệnh hại tới ngưỡng, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây hiện tượng kháng thuốc, lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân bằng mọi hình thức thông qua các kênh báo, đài, hệ thống phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh xã và tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân ngay tại đồng ruộng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc buôn bán kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của các cửa hàng, đại lý trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.