Lần đầu tiên 18 tấn tôm đông lạnh Hà Tĩnh ‘xuất ngoại’ thành công

Sau hơn 1 năm gồng mình khắc phục sự cố môi trường biển, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Hà Tĩnh đã “bứt phá” mạnh mẽ đạt 4,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, lần đầu tiên Hà Tĩnh xuất khẩu thành công 18 tấn tôm đông lạnh sang thị trường Malaysia.

4

Xuất khẩu thủy hải sản bứt phá sau sự cố môi trường biển

Thời điểm đầu năm 2016, ngành thủy sản Hà Tĩnh lao đao do phải đối mặt với sự cố môi trường biển. Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh là đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp nên nguyên liệu chế biến thiếu hụt rất lớn, có thời điểm lên đến 60 – 70%. Lúc đó, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa nhiều tháng trời. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và chuyển hướng thị trường xuất khẩu.

Tại thị trường Malaysia, tôm là 1 trong 10 loại hải sản được ưa chuộng, nhất là sản phẩm tôm đông lạnh được nhiều người đón nhận bởi đặc tính dễ dàng chế biến. Nhận thấy điều đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đã phối hợp với Công ty CP Tiến Bộ quốc tế AIC mạnh dạn phát triển thị trường sang Malaysia.

Trước hết, để tôm thẻ chân trắng có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế cần có những sản phẩm đạt chất lượng cao. Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đã hợp đồng với các chủ hồ nuôi tôm vùng Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) để thu mua nguyên liệu chế biến. Những con tôm được thu mua ngay tại hồ với tiêu chuẩn phải loại có cơ trong, khỏe mạnh. Sau khi lựa chọn tôm, doanh nghiệp sẽ tiến hành cấp đông ngay khi tôm còn sống. Như thế thì chất lượng tôm mới tươi ngon và dễ bóc vỏ.

Ông Trần Đình Nam, GĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi kết nối được với Công ty Tiến Bộ quốc tế AIC, chúng tôi bắt tay vào chiến lược xuất khẩu tôm thẻ chân trắng. Tháng 8 vừa rồi, công ty đã xuất khẩu thành công 18 tấn tôm đầu tiên sang thị trường Malaysia trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng. Chỉ sau 1 tuần toàn bộ số hàng được bán hết sạch, chủ yếu là cung cấp thẳng cho các nhà hàng. Đây là một tín hiệu khả quan, mở ra hướng mới cho sản xuất kinh doanh của công ty và người nuôi tôm Hà Tĩnh nói chung”.

Cũng theo ông Nam, với sản phẩm tôm xuất khẩu, trung bình mỗi kg mua tại hồ có giá từ 180.000 đồng, khi xuất bán ra nước ngoài sẽ có giá từ 460.000 đồng. “Sắp tới, công ty sẽ làm việc với phía đối tác Malaysia. Dự kiến trong năm 2018, công ty sẽ xuất khẩu khoảng 100 tấn tôm sang thị trường này”, ông Nam cho biết thêm.

Ngoài ra, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cũng chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm truyền thống sushi (mực) sang thị trường Nhật Bản. Từ đầu năm 2017, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên sản lượng thủy, hải sản của ngư dân tăng lên đáng kể.

5

Kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản Hà Tĩnh đạt 4,6 triệu USD

Để có đủ sản lượng chế biến, công ty tìm cách khâu nối với các vùng đánh bắt thủy sản từ Quảng Bình đến Thanh Hóa để thu mua nguyên liệu. Đến thời điểm này, công ty đã xuất khẩu gần 700 tấn sushi, giá trị ước đạt gần 4,1 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Hà Tĩnh, đến cuối tháng 10/2017, xuất khẩu thủy sản Hà Tĩnh đạt 4,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu tăng mạnh cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế biển sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển.

Theo Nongnghiep.vn