Làm giàu từ việc trồng chuối trên đồi

Nhờ trồng 5,5 ha chuối trên vùng đồi dốc đầy sỏi đá mà vợ chồng ông Phan Mộng Hùng (ở làng Kon Lỗ, xã Đăk Tờ Lung, H.Kon Rẫy, Kon Tum) có cuộc sống sung túc.

Ở xã Đăk Tờ Lung, giờ ai cũng nhắc đến chuyện ông Hùng trồng chuối. 3 năm biến đồi sỏi đá thành 5,5 ha cây chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên ông mang luôn biệt danh là Hùng “chuối”.

Ông Hùng kể, cách đây khoảng 3 năm, ông mua lại quyền sử dụng đất ở đồi này với ý định trồng cây đào lộn hột (cây điều). Nhưng sau đó, thấy đồi san sát cây le, đất lại sỏi đá, hợp với cây chuối nên quyết định trồng chuối. “Trồng chuối ít vốn, nhưng làm bài bản thì thu hồi vốn nhanh nhất. Mặt khác, cây chuối rừng không ai chăm sóc mà phát triển xanh tốt, thì lý gì cây chuối mình trồng không được?”, ông Hùng bộc bạch.

Sau thời gian cải tạo ngọn đồi, ông Hùng tiến hành đào hố trồng chuối, mỗi hố rộng 0,8 m, sâu 0,5 m. Sáng sớm tinh mơ ra rẫy, đến tối mịt mới về nhà… vài tháng sau thì 2.500 hố trồng chuối (tương đương 3,5 ha) đã xong. Lúc này ông Hùng mới mang giống chuối mốc về trồng. Ông chọn cây chuối con cao 1 m rồi cắt rễ cây sát gốc, trồng xuống.

Hằng ngày, tùy theo mùa mà ông Hùng chăm sóc chuối. Mùa mưa, ông Hùng cắt và dọn sạch lá khô dưới gốc, tránh chuối bị úng nước, hư hại. Mùa nắng thì tấp lá khô vào gốc chuối giữ ẩm, phát dọn sạch sẽ từng gốc chuối đến cả ngọn đồi. Đến khi cây chuối lớn, ông bỏ phân bón mỗi gốc 400 gr NPK và thêm ít kali cho quả ngọt, chín vàng.

Ông Hùng khẳng định, cứ theo kỹ thuật nói trên, rừng chuối cho buồng sau 8 – 9 tháng. Lúc này, ông chỉ để mỗi gốc chuối mẹ 3 – 4 cây con, không để hai cây con liền nhau, nhằm bảo đảm dinh dưỡng cho chuối mẹ, cho quả to và nhiều nải chuối. Đúng một năm trồng chuối, rừng le sỏi đá đã xanh um, chuối nằm theo hàng vắt qua sườn đồi, buồng chuối vắt trên thân la liệt. Năm đầu tiên, ông Hùng thu 150 triệu đồng tiền bán chuối trái và hoa chuối, xem như đủ thu hồi tiền vốn mua rẫy.

Theo chân vợ chồng ông Hùng lên ngọn đồi mới thấy cơ man chuối là chuối. Trên đồi cao, chuối tơ ra buồng dày đặc, từng quả to như bắp tay. Ông Hùng giải thích: sau mùa thu hoạch đầu tiên thì cứ mỗi tháng ông đều đặn thu hoạch chuối vào dịp đầu và giữa tháng âm lịch, mỗi lần 120 – 150 buồng, chưa kể bắp chuối, thu về 12 triệu đồng/tháng. “Tư thương ở Quảng Ngãi cứ đến hẹn lại đến tận rẫy mà mua, có bao nhiêu mua bấy nhiêu”, ông Hùng cho biết rồi chỉ tay vào một vùng chuối khác với diện tích khoảng 2 ha, nói đồi chuối này trồng được một năm, sắp thu hoạch, rất hứa hẹn về thu nhập.

Ông Đỗ Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Lung, cho biết cây chuối không mới trên đất này, nhưng chỉ khi ông Hùng về thì với cách làm mới đã cho thu nhập cao hơn, bà con Xê Đăng trong vùng cũng được ông Hùng bày cho trồng chuối, có người thu 30 triệu đồng/năm từ chuối. Cũng theo ông Linh, ngoài rẫy chuối trồng từ sườn đồi trở lên, từ sườn đồi trở xuống ông Hùng trồng chen khoảng 1 ha chanh, cam, sầu riêng, mít Thái Lan và mít không hạt. Những loại cây ăn trái này đã ra quả bói. “Chỉ cần 2 năm nữa thôi, vùng đồi sỏi của ông Hùng là vùng cây trái xanh um, vừa đẹp vừa mang lại hiệu quả kinh tế, làm điểm cho xã khó khăn vùng núi này”, ông Linh nói.