Làm giàu từ mô hình nuôi thú độc, lạ

Nhờ gan dạ, mạnh dạn tìm tòi, học hỏi cách nuôi chồn, một nông dân ở Hậu Giang đã vực dậy kinh tế gia đình, giúp cuộc sống ngày càng ổn định và trở nên giàu có.

Ông Nguyên nuôi giống thú rừng độc, lạ và thu về lợi nhuận “khủng”.

Ông Nguyên nuôi giống thú rừng độc, lạ và thu về lợi nhuận “khủng”.

Vốn xuất thân là nông dân và gắn bó nhiều năm với công việc chăn nuôi, ông Ngô Thanh Nguyên (ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã nuôi qua rất nhiều loài như: ba ba, đà điểu, trăn…

Tuy nhiên những giống vật nuôi đó giá cả bấp bênh, không đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình ông, nhiều phen kinh tế gia đình bị rơi vào “ngỏ cụt”. Vì lẽ đó ông, Nguyên đã tìm tòi, nghiên cứu và lựa chọn loài vật nuôi có giá trị kinh tế ổn định.

Thấy giá thịt chồn đang “sốt” trên thị trường, nhưng nguồn cung lại quá ít, càng ngày càng hút hàng nên ông Nguyên đã “mạo hiểm” tìm hiểu và tập nuôi giống thú rừng độc lạ này. “Lúc đầu tui mua chồn rừng ở miệt Tri Tôn, An Giang về nuôi thử. Mua 6 – 7 con về nuôi rồi để cho nó đẻ và nhân giống tới bây giờ”, ông Nguyên chia sẻ.

Với kinh nghiệm gần chục năm nuôi chồn, ông Nguyên cho biết, nuôi chồn rất cực, kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phải cẩn thận và kỹ lưỡng. “Chồn phải được nuôi trong chuồng kín, che 3 mặt không thấy nhau và phải có độ tối nếu sáng quá thì chồn sẽ không đẻ. Bên cạnh đó, còn phải dọn dẹp, rửa khung, dùng thuốc sát trùng để tránh bệnh. Lúc đầu cũng thất bại và chật vật nhiều phen nhưng từ từ đúc kết kinh nghiệm để có phương pháp nuôi hiệu quả và chất lượng hơn”, ông Nguyên nói.

Mặc dù khó nuôi nhưng giá chồn thịt thì giá cao và ổn định. Giá chồn dao động từ khoảng 1,1 triệu đồng – 1,3 triệu đồng/kg. Một con chồn hương nuôi từ 3-6 tháng sẽ có trọng lượng từ 1,5 – 2 ký bán được từ 2,2 – 2,6 triệu đồng/con. Đặc biệt, đối với chồn, nuôi càng lâu thì càng có giá. Trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 200 – 300 triệu.

Nói về sự tâm đắc với công việc này, ông Nguyên chia sẻ, công việc này đòi hỏi phải yêu thích và đam mê. Nếu đam mê không đủ lớn thì sẽ rất dễ nản chí. “Có nhiều người thấy nuôi có ăn cũng tập tành nuôi theo nhưng vì không có đam mê nên cũng bỏ cuộc”, ông Nguyên nói.

Khi được hỏi về định hướng tương lai, ông Nguyên cho biết, ông sẽ tiếp tục duy trì công việc yêu thích và sinh lợi này. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ mở rộng và gia tăng số lượng chồn nái. Hiện tại, trại của ông có khoảng 70 con chồn, trong đó có 25 chồn nái. Ông dự định đầu tư phát triển số lượng chồn nái lên khoảng 50 con để tăng năng suất và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, ông Nguyên còn dành thời gian để nuôi chó kiểng và thu lợi khá cao. Ông Nguyên cho biết, ông bắt đầu nuôi chó cách đây khoảng 8 – 9 năm. Lúc đầu chỉ nuôi thử nghiệm vài con chó Nhật, sau đó xuất bán thấy có lợi nhuận cao nên ông tiếp tục nuôi và mở rộng sang nhiều giống chó khác. Hiện tại, nhà ông nuôi gần 10 giống chó kiểng có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như: Poodle, Alsaka, Cooker – Spaniel (Tây Ban Nha), Phóc Sốc, sóc Chihuahua… với khoảng 100 con.

Ông Nguyên chia sẻ, từ kỹ thuật nuôi chồn mở rộng sang nuôi chó cũng khá dễ dàng, kỹ thuật có những nét tương đồng nhau và nuôi chó đơn giản hơn nuôi chồn rất nhiều. Trung bình mỗi tháng, đàn chó kiểng mẹ cho ra đời khoảng 25 con chó con. Mỗi con nuôi từ khoảng 45 – 60 ngày thì bán ra ngoài với giá gao động từ 800.000 – vài triệu đồng/con tùy loại, tùy giống. Với tiền bán chó kiểng, bình quân mỗi năm ông Nguyên thu về trên 300 triệu đồng.

Cùng với sự kiên trì, tận tâm và đam mê đối với công việc nuôi chồn và chó kiểngtrong nhiều năm nay đã giúp kinh tế gia đình ông dần dần đi vào ổn định, cuộc sống khá giả hơn…