Làm giàu từ đặc sản quê hương

Những năm gần đây, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã tích cực phát triển mô hình trồng cây đặc sản gắn với bảo vệ rừng, giúp hội viên nâng cao thu nhập.

Cựu chiến binh Vương Ngọc Kiện giới thiệu về vườn mơ Hương tích của gia đình.

Nhắc đến ông Đồng Văn Chức (SN 1962), ở thôn Đục Khê, không ai là không biết đến người CCB tiên phong phát triển kinh tế ở xã Hương Sơn. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp gian nan, ông Chức cho biết, nhiều năm trước, đường sá đi lại khó khăn, ông cùng với một số hộ dân lăn lộn nhiều tháng ròng mở đường, khai hoang đất để trồng rau sắng, củ mài và thả dê.
Vừa làm vừa tích lũy, đất không phụ công người, mảnh đất hoang ngày nào nay đã giúp gia đình ông làm giàu. Với 4ha trồng rau sắng, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch 3 tạ rau, với giá bán bình quân 250.000 đồng/kg.
Hàng năm, ông Chức còn nhân 5.000 cây giống, bán với giá 10.000 đồng/cây. Tận dụng diện tích dưới tán cây rau sắng, ông trồng thêm củ mài, mỗi năm cho thu hơn 1 tấn củ, với giá bán 100.000 đồng/kg và nuôi thả 20 con dê sinh sản. Từ các nguồn thu kể trên, mỗi năm ông Chức thu lãi trên 500 triệu đồng.
Tương tự, CCB Vương Ngọc Kiện (SN 1962), ở thôn Đục Khê, không chỉ thu nhập ổn định từ 5.000 gốc cây rau sắng mà còn trồng thêm cây mơ Hương Tích. Hiện tại, với diện tích 3,4ha, ông Chức đang trồng 500 gốc mơ. Vụ mơ năm nay, gia đình ông thu được hơn 5 tạ mơ, với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg nhưng thu hái đến đâu khách đặt mua hết đến đấy. Ngoài ra, ông Kiện còn là chủ sở hữu một vườn dược liệu rộng lớn dưới tán rừng. Vườn đang trồng 43 loại cây dược liệu, trong đó có một số loài quý hiếm và nhiều loài phổ biến như: Địa liền, gừng gió, tam thất nam, sâm đại hành, sạ đen, đơn tướng quân…
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm CCB tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã Hương Sơn. Hiện nay, Hội CCB xã Hương Sơn có gần 900 hội viên, trong đó có gần 500 hội viên đang phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế với mức thu nhập bình quân từ 300 – 500 triệu đồng/năm. Chủ tịch Hội CCB xã Hương Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết, các mô hình kinh tế rừng, VAC tổng hợp kết hợp với trồng cây đặc sản đều cho giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hội viên CCB làm giàu. Quan trọng hơn, đây còn là phương án bảo tồn nguồn gen quý của các loài cây đặc sản này. Mong muốn của các CCB là được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn kéo dài hơn để đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu cung cấp cho thị trường nhiều hơn những đặc sản an toàn mang thương hiệu chùa Hương.