Làm giàu trên vùng đất khó Rô Men của Tây Nguyên

Dám làm trong phát triển kinh tế, anh Kra Zan Ha Sắc đã chuyển đổi cây trồng thành công trên vùng đất khó Rô Men (huyện Đam Rông, Lâm Đồng).

Với đức tính cần cù, ham học hỏi anh Kra Zan Ha Sắc, buôn Đạ Tế, thôn 4, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.

lam giau tren vung dat kho ro men hinh 1

Anh Kra Zan Ha Sắc (áo trắng) chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với người dân trong thôn.

Anh Kra Zan Ha Sắc (áo trắng) chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với người dân trong thôn.
Kra Zan Ha Sắc đã xây căn nhà mới trị giá hơn 600 triệu đồng. Căn nhà xây ngay giữa vườn cà phê hơn 4 ha, như một giải thích về hiệu quả của cây trồng mới của gia đình.

“Trước đây gia đình chủ yếu trồng mì, bắp, lúa rẫy nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau này, thấy nhiều nơi họ trồng cà phê cho năng suất cao đời sống khấm khá gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà phê. Cùng với đó tôi tham gia các lớp tập huấn, học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc đến nay mỗi năm cà phê mang lại thu nhập cho gia đình cả trăm triệu đồng”, Kra Zan Ha Sắc kể.

Hiện đa số 4 ha vườn của Kra Zan Ha Sắc đã được trồng cà phê giống mới cao sản. Được bón phân bò, tưới phun dưới tán theo công nghệ mới, nên cà phê năm nào cũng đạt năng suất cao. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình anh còn dư vài trăm triệu đồng.

Bên cạnh cà phê, phần đất thấp phía cuối vườn, anh vẫn giữ lại 2 sào để sạ lúa, mỗi năm thu trên dưới 2,5 tấn lúa, gia đình không phải mua gạo ngoài chợ. Có của ăn, của để anh Kra Zan Ha Sắc mạnh dạn mua thêm đất để trồng dâu nuôi tằm, sản xuất của gia đình mỗi năm lại thêm mở rộng.

Anh Cil Ha Huấn, hàng xóm cho biết, trước đây bản thân cũng như bà con trong thôn trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu dựa theo kinh nghiệm từ nhiều đời nay. Sau khi thấy mô hình sản xuất của gia đình anh Kra Zan Ha Sắc cho hiệu quả, thu nhập cao, bà con đến học, làm theo nhờ đó đời sống kinh tế ngày càng đi lên.

“Gia đình ông Kra Zan Ha Sắc là một điển hình về phát triển kinh tế trong thôn. Bà con chúng tôi đã đến học tập mô hình cải tạo cà phê, học hỏi kỹ thuật chăm sóc và cách làm ăn của gia đình ông để nâng cao thu nhập”, anh Cil Ha Huấn nói.

lam giau tren vung dat kho ro men hinh 2

Cuộc sống gia đình anh Kra Zan Ha Sắc khấm khá dần sau khi chuyển đổi trồng cà phê.

Cuộc sống gia đình anh Kra Zan Ha Sắc khấm khá dần sau khi chuyển đổi trồng cà phê.
Theo ông Nguyễn Tiến Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Rô Men, gia đình anh Kra Zan Ha Sắc không chỉ đi đầu về phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mà còn tích cực tham gia hiến đất, góp ngày công làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, anh còn hỗ trợ giúp bà con chuyển đổi cây trồng, tái canh các vườn cà phê già cỗi nhằm phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

“Gia đình Kra Zan Ha Sắc rất chịu khó làm ăn và rất tích cực trong việc tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt như cà phê anh đã tái canh bằng hình thức ghép chồi, cải tạo nhờ đó năng suất cà phê nâng lên gấp đôi so với thời gian trước. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng xen các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất là cao. Mới đây gia đình còn trồng thêm dâu để nuôi tằm. Đây là hộ có kinh tế khá nhất vùng”, ông Việt cho hay.

Từ những rẫy vườn trồng lúa, mì, bắp một vụ chỉ dựa vào nước trời nhưng nhờ cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, anh Kra Zan Ha Sắc đã chuyển đổi cây trồng thành công trên vùng đất khó Rô Men và trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế tại địa phương.