Lâm Đồng: Thành công với mô hình trồng và nhân giống hoa cúc

Anh Nguyễn Thế Báu ở thôn Tân Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà là người đầu tiên của địa phương ứng dụng công nghệ cao thành công trong trồng và nhân giống các loại hoa cúc Đà Lạt.

Anh Báu đã có hơn 2 năm canh tác và nhân giống hoa cúc bán cho bà con trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh bạn. Từ những kinh nghiệm và nhận được lòng tin của khách hàng, anh Báu đã mạnh dạn mua đất vườn đang trồng cà phê ở Tân Thanh để phá bỏ và chuyển đổi sang canh tác các loại hoa cúc và nhân giống. Bước đầu anh dựng 4 sào nhà kính chuyên trồng cúc giống, 3 sào nhà lưới trồng cúc thương phẩm với kinh phí hơn 800 triệu đồng cho hệ thống nhà kính, nhà lưới và hệ thống đèn điện, hệ thống tưới… Để tiết kiệm chi phí anh đã tự mua vật tư và thuê nhân công tự dựng và thiết kế. Giống cúc chủ lực anh đưa vào canh tác là pha lê, kim cương, đại đóa, cúc vàng, cúc đỏ… Mỗi năm anh trồng được 4 vụ cúc thương phẩm, chủ yếu cung cấp vào các dịp lễ, tết. Đầu ra được các thương lái đến tận vườn thu mua, bán cho bà con trong huyện và xuất đi chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh.

Để luân canh cây trồng cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh trồng thêm các loại hoa như lay ơn, hướng dương, cẩm tú cầu. Theo đánh giá của anh Báu, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên khi trồng các giống cúc, lay ơn, hướng dương, cẩm tú cầu, các loại hoa này tỏ ra khá thích nghi với điều kiện và thổ nhưỡng nơi đây. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt và đạt chất lượng không thua gì hoa được trồng ở Đà Lạt, Đức Trọng… Do đất mới, tơi xốp, mầm bệnh chưa xuất hiện nhiều nên rất thuận lợi trong canh tác các loại hoa, chỉ cần chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn, hoa đã đạt được kích cỡ theo yêu cầu của thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng một số loại hoa, anh Báu cho biết, thời gian chiếu sáng đối với cúc thương phẩm khoảng 10 giờ/ngày (trong khi ở Đà Lạt 12 – 14 giờ/ngày), thời gian cây cho thu hoạch sớm hơn trồng ở Đà Lạt khoảng 10 ngày, chỉ 2 tháng 20 ngày cây cho thu hoạch bông. Đối với nhân giống hoa cúc, sau khi cắt mầm, xử lý ra rễ chỉ cần 10 – 12 ngày cây đã ra rễ, cây phát triển tốt, đạt tiêu chuẩn xuất vườn (thời gian nhân giống ở Đà Lạt khoảng 15 ngày). Sở dĩ có sự chênh lệch thời gian làm giống là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa Đà Lạt và khu vực xã Tân Thanh. Trong quá trình ươm cây cúc giống cũng cần thời gian chiếu sáng 11 giờ/ngày, chiếu sáng từ khi cắm cây vào vỉ xốp đến khi cây xuất vườn đảm bảo cho cây không bị ra nụ sớm, cây đạt chất lượng. Ngoài ra, vì cây giống hay gặp một số bệnh như: rỉ sắt, nấm bã trầu,… nên anh xử lý triệt để bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật để không ảnh hưởng đến chất lượng cây giống.

Vườn cúc giống của gia đình anh Báu

Anh Báu cho biết: “Cây cúc giống của gia đình tôi được khách hàng gần xa đánh giá rất tốt. Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Cây ít bị chết hơn, không bị sốc nhiệt do cây được nhân giống ở điều kiện khí hậu tương đồng với khí hậu ở Đăk Lăk, Đăk Nông, Bắc Giang và một số tỉnh miền Trung,…”. Cao điểm có tháng anh xuất vườn trên 1 triệu cây cúc giống các loại với giá bán tại vườn 160 đồng/cây giống kim cương; các loại giống khác 140 đồng/cây. Như vậy, trung bình mỗi tháng anh có nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Hàng năm, từ canh tác các loại hoa, bán giống cây, gia đình anh lãi khoảng 500 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết các khoản chi phí như giống, vật tư, công chăm sóc… Mức lãi này cao hơn nhiều lần so với canh tác cà phê hiện nay của bà con nông dân trên địa bàn xã.

Ngoài phát triển kinh tế của gia đình, anh Báu còn thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 5 – 6 lao động địa phương với mức lương 5 – 6 triệu đồng/tháng, còn công thời vụ khi cắm cây giống anh khoán 2.000 đồng/vỉ cây giống.

Có thể nói, mô hình canh tác và nhân giống hoa cúc của gia đình anh Nguyễn Thế Báu đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mà nhiều hộ nông dân và các địa phương lân cận có thể học tập nếu muốn chuyển đổi cây trồng.