Kỹ thuật cấy lúa ở miền Bắc

Để lúa cây phát triển và đem lại năng suất cao, người cấy phải đảm bảo được mật độ cấy, đất cất cũng như kỹ thuật cấy…

Ở Miền Bắc, sản xuất lúa theo phương thức cấy là chủ yếu. Đây là phương pháp truyền thống được áp dụng từ bao đời nay.

Việc cấy lúa tưởng như rất đơn giản nhưng để lúa cấy phát triển và sinh trưởng tốt đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Trong nội dung bài viết hôm nay, Nhà Nông Xanh sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ thuật cấy lúa (áp dụng đối với miền Bắc).

– Mật độ cấy: Tùy thuộc vào khả năng đẻ nhánh của từng giống lúa để xác định mật độ cấy và số dảnh cấy hợp lý. Giống lúa đẻ khỏe cấy thưa, ít dảnh; giống lúa đẻ kém thì cấy dày, cấy nhiều dảnh nhưng cũng không nên cấy quá 3 dảnh. Các giống lúa hiện nay ở Việt Nam thường cấy trong khoảng từ 32 – 40 khóm/m2, cấy 2 – 3 dảnh/khóm.

– Đất xấu, đất kìm hãm cấy dầy hơn đất tốt và đất có nhiều phân.

– Đất cấy: Đối với đất thịt chờ cho bùn lỏng lắng xuống mới cấy; đất cát phải cấy ngay sau khi làm đất nếu không cát lắng nhanh, bí chặt sẽ khó cấy.

– Mực nước khi cấy: Ruộng cần xâm xấp nước, không để quá khô khó cấy, ngược lại để nhiều nước tỷ lệ mạ nổi nhiều.

Ruộng cấy bằng máy: Khi cấy phải có lớp nước láng mặt ruộng vừa phải 1- 2 cm, để các thao tác của máy thuận tiện và cây lúa cấy không bị siêu vẹo.

Cách cấy:

– Cấy thẳng hàng, cấy nông 2- 3 cm để lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe; mạ nền cứng cấy sâu 1- 2 cm.

– Nhổ mạ đến đâu cấy đến đó, cấy trong ngày. Không được nhổ mạ để qua đêm.

– Để cấy được nông cần làm đất kỹ, giữ nước nông, và cấy ngửa tay.

Cây lúa đẻ nhánh ở 4 đốt dưới: tỷ lệ hình thành bông cao, bông to; nhánh đẻ từ đốt 5 tỷ lệ thành bông thấp, bông bé, thời gian trỗ kéo dài; nếu cấy sâu, các đốt dưới không đẻ được nhánh, số dảnh thành bông ít và bông bé, hạt nhỏ).

+ Mạ cấy bằng máy: Mạ cấy được chuyển sẵn ra đầu ruộng, rồi đưa lên giá đỡ mạ của máy; vận chuyển mạ nhẹ nhàng, tránh làm gẫy, dập nát mạ; loại bỏ các khoảng mạ kém chất lượng như mạ thưa, bị bệnh chết chòm; thay và chèn bằng các mảng mạ tốt lấy từ các khay dự phòng để khi máy cấy không bị mất khoảng.

Lượt máy cấy chạy đầu nên cắm tiêu để máy chạy thẳng, không ngoằn nghèo, chạy thử 3-5 m rồi điều chỉnh máy cho phù hợp: Điều chỉnh khoảng cách hàng con (cây x cây) và độ sâu tay cấy khi dúi mạ. Chú ý, không để cấy quá sâu, lúa sẽ lâu bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh chậm, đẻ kém không đạt số dảnh, số bông theo yêu cầu.

Khi điều chỉnh, cấy thử lại, nếu khóm lúa được dúi tốt, không nghiêng ngả, độ sâu 2-2,5cm là tốt nhất. Sau cấy 2-3 ngày, cần dặm lại những chỗ mất khoảng hoặc lỗi do tay gắp cấy của máy. Đặc biệt chú ý góc ruộng, đầu các vòng quay của máy.

Giới thiệu cách cấy tiên tiến nhất hiện nay là: Cấy theo hàng rộng – hàng hẹp

– Hàng sông cấy 1 hàng rộng và 1 hàng hẹp xen kẽ nhau theo hướng Đông – Tây. Hàng rộng: 30 đến 40 cm – Hàng hẹp từ 15 đến 25 cm;

– Hàng con: 10 – 12 cm

– Mật độ đảm bảo:  từ 18 đến 35 khóm/m2

– Tác dụng của cấy hàng rộng, hàng hẹp:

+ Phát huy hết khả năng hiệu ứng hàng biên, làm cho cây lúa nhận được tối đa năng lượng của ánh sáng mặt trời.

+ Giúp cho cây lúa có khả năng quang hợp cao nhất, nhờ đó tích lũy nhiều chất dinh dưỡng trong cây và vận chuyển chất dinh dưỡng vào hạt.

Nguồn: AgriMedia