Khuyến cáo nông dân xuống giống sớm để ‘né’ hạn mặn cuối vụ

Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là các địa phương vùng ven biển, luôn chịu ảnh hưởng và tác động lớn của tình trạng hạn hán xâm nhập mặn hàng năm như huyện Long Phú, Trần Đề đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ Đông Xuân.

Chú thích ảnh

Nông dân Sóc Trăng xuống giống lúa vụ lúa Hè Thu (Ảnh tư liệu).

Đây được xem vụ sản xuất thành công của nông dân tại các địa phương vùng ven biển bởi thu hoạch sớm, lúa vừa có giá, trúng mùa lại vừa tránh được ảnh hưởng của hạn mặn.

Theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống được hơn 101.000 ha/167.000 ha kế hoạch; trong đó, lúa đang trong giai đoạn từ trổ chín đến thu hoạch trên 40.000 ha, các giống lúa được sản xuất chính là ST25, ST24, OM18, Đài thơm… năng suất trung bình đạt từ 5 – 8 tấn/ha.

Giá bán dao động từ 6.000 – 8.000 đồng/kg như lúa đặc sản ST25 giá 7.500 – 7.700 đồng/kg; lúa Đài thơm giá 7.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 6.800 đồng/kg; OM 6976 giá 6.800 đồng/kg; lúa Jasmine giá 7.000 đồng/kg…

Ông Võ Văn Bé, nông dân ở xã Long Đức (huyện Long Phú) cho biết, vụ Đông Xuân này gia đình sản xuất được 1 ha lúa cả giống đặc sản ST25 và Đài thơm, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha. Vụ này, ruộng lúa được thương lái bao tiêu đầu ra với giá trên 7.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 20 triệu đồng/ha.

Ông Võ Văn Bé cho biết thêm, sau khi thu hoạch xong, gia đình sẽ tận dụng diện tích để đưa màu xuống chân ruộng trong mùa khô sắp tới để tăng thu nhập, thay vì “liều” làm lúa vụ 3 (Đông Xuân muộn).

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Long Phú, rút kinh nghiệm từ những tác động của đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm trước, Đảng bộ huyện Long Phú tập trung chỉ đạo, khuyến cáo người dân xuống giống sớm để né hạn mặn vào cuối vụ; trong đó, huyện phấn đấu diện tích lúa cao sản chiếm trên 70% diện tích. Hiện, nông dân trên địa bàn huyện đã bắt đầu thu hoạch các trà lúa vụ Đông Xuân, tập trung nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới.

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân của nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Qua thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ghi nhận và đánh giá những nỗ lực của chính quyền và nông dân tỉnh Sóc Trăng trong việc hạn chế và giảm sức tác động của hạn mặn.

Theo đó, nhờ sự chủ động và tích cực trong tuyên truyền của các cấp, ngành tỉnh Sóc Trăng đã giúp nông dân nhận thức rõ về hạn mặn. Qua đó, giúp nông dân chủ động trong sản xuất và thu được những kết quả đáng phấn khởi trong vụ Đông Xuân 2021.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ Đông Xuân năm nay được dự đoán là về muộn hơn so với những năm trước nên Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đến bà con nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động và tập trung xuống giống sớm để kịp thu hoạch trước khi hạn mặn về.

Do vậy, đối với các địa phương ven biển, có thể thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2021; các huyện vùng trong, hạn mặn về muộn hơn, sau Tết khoảng 10 ngày là nông dân thu hoạch xong tất cả các diện tích lúa.

Ghi nhận tại huyện ven biển Trần Đề – một trong những địa phương luôn chịu tác động sâu rộng của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm. Cũng vào thời quãng thời gian này năm trước, nông dân trên địa bàn các xã của huyện Trần Đề luôn lo lắng về nguồn nước trong vụ sản xuất thì trong năm nay, nhờ sự tích cực và chủ động của ngành chức năng trong việc bơm trữ nước, lúa vụ Đông Xuân của nông dân trên địa bàn huyện đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Thăm cánh đồng lúa đang chờ thu hoạch, lão nông Nguyễn Văn Lực ở ấp Thanh Liêm, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề) phấn khởi cho biết, vụ này gia đình sản xuất trên 1 ha lúa giống Đài thơm, lúa đang phát triển rất tốt, dự báo vụ này thu lãi khá.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lực, năm nay sản xuất thuận lợi, thời tiết cũng ổn định, đủ nước tưới. Vụ Đông Xuân này, nông dân trên địa bàn không bị lo bởi hạn mặn như năm trước nữa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm nay các địa phương tổ chức sản xuất lúa vụ Đông Xuân sớm hơn nhằm né hạn vào cuối vụ. Điều đặc biệt trong năm nay là chúng ta chủ trương đưa các diện tích ven biển, khả năng bị ngập mặn vào cuối vụ đẩy lịch thời vụ xuống giống sớm hơn.

Do đó, đến nay đã có từ 30 – 40% diện tích lúa xuống giống sớm đã bắt đầu thu hoạch. Có thể khẳng định là các trà lúa sớm vụ Đông Xuân năm nay được mùa, trúng giá.