Khởi nghiệp từ trà hoa

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ hoa, Lương Thị Diễm Trinh, ở vùng miền Tây sông nước và cô gái người Bana Hồ Thị Viên đã sản xuất ra trà hoa có hương vị rất đặc biệt.

Diễm Trinh thực hiện từng công đoạn để tạo ra sản phẩm trà hoa /// Ảnh: Duy Tân

Diễm Trinh thực hiện từng công đoạn để tạo ra sản phẩm trà hoa

Người uống khen ngợi hương hoa…

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (ngành sinh – hóa), Lương Thị Diễm Trinh (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) được nhận vào công tác tại Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP.Sa Đéc). Năm 2016, cô nảy sinh ý tưởng làm trà từ hoa.
Nghĩ là làm, Trinh đầu tư máy sấy, vận dụng kiến thức đã học và tìm hiểu từ nhiều nơi để chế biến ra các sản phẩm trà hoa. Ban đầu chỉ là trà hoa hồng nhung, hồng lửa và tường vy. Mỗi sắc mỗi hương, mỗi vị, khi kết hợp tạo nên loại trà vô cùng đậm đà. Tuy nhiên, các loại hoa này có thời gian cắt khác nhau nên không đủ nguồn nguyên liệu để làm. Sau đó, Trinh chuyển sang làm thử nghiệm trên một số loại hoa khác như: hồng chùm son, đậu biếc, trà hoa nguyệt quế, đinh lăng, a ti sô đỏ, trà vỏ bưởi… Đến năm 2017, sản phẩm được đưa ra thị trường và nhận nhiều lời khen ngợi.
Trinh cho biết Sa Đéc có đến hàng trăm loại hoa nhưng không phải loại nào cũng có thể làm được trà. Nguồn nguyên liệu để sản xuất đều do tự tay cô trồng và tuyển lựa khắt khe. Trên diện tích đất vườn của gia đình rộng hơn 1.200 m2, cô trồng hoa đậu biếc, đinh lăng, nguyệt quế… theo phương pháp sinh học, không sử dụng phân bón hóa học để có nguồn nguyên liệu sạch. Bên cạnh đó, cô còn hợp tác với một số nhà vườn để có đủ nguồn nguyên liệu chế biến trà hoa. Nguồn nguyên liệu từ hoa hồng được tuyển chọn một cách khác biệt nên hương vị không trùng lặp với các loại trà hoa trên thị trường.
Khởi nghiệp từ trà hoa

 

Hồ Thị Viên kiểm tra cây giống trước khi đem trồng
“Thông thường, người khác sẽ chọn hoa hồng nụ để chế biến, còn tôi chọn loại hoa vừa bung nở. Hoa nụ sẽ có ưu điểm ít nát khi vận chuyển, hình thức đẹp, nhưng người uống trà phải cần đầu tư, tức là phải có bình trà có nến mới uống hết được chất trà. Tuy nhiên, khách hàng đa phần là những người trẻ tuổi và làm văn phòng nên chỉ chú trọng sản phẩm khi chế nước sôi vào trong vòng ít phút phải ra chất trà và hoa hồng vừa bung nở sẽ đáp ứng được nhu cầu đẹp và ra hương vị cực kỳ nhanh lại đậm, thơm hơn”, Trinh cho biết.
Theo Trinh, để chế biến ra trà hoa phải trải qua nhiều quy trình vô cùng tỉ mỉ. Đầu tiên, hoa sau khi hái được rửa thật sạch, sau đó đem phơi, để khô tự nhiên từ 3 – 4 tiếng rồi đem vào lò sấy khoảng 8 tiếng với nhiệt độ 65 – 70 độ; sau đó để nguội và đóng gói. Với khoảng 10 kg hoa tươi, sau khi sấy thành phẩm thu được khoảng 1 kg trà hoa.
Mỗi sản phẩm làm ra đều giữ được nguyên trạng ban đầu, đóng thành từng gói khoảng 50 gr, với giá bán dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/gói (tùy loại). Nhờ đó, Trinh có thu nhập từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng mỗi tháng.

Thoát nghèo bằng cà gai leo

Cô gái người Bana Hồ Thị Viên ở làng Pơ Nang, xã Tú An, TX.An Khê (Gia Lai) đã chọn cách khởi nghiệp, khát vọng giúp bà con thoát nghèo bằng cà gai leo – một sản vật của quê hương.
Hồ Thị Viên có lẽ chẳng lạ gì với người làng Pơ Nang. Giỏi giang, nhanh nhẹn, khéo léo và có chút… bướng nữa vì hay có những suy nghĩ khác người, nhiều người làng nói vậy. Tuổi đời chưa đến 30 nhưng Viên đã có nhiều năm lăn lộn với đồng đất, xoay ra bỏ công với thổ cẩm và nhiều việc khác.
“Em nghĩ đến việc phát triển kinh tế bằng cây cà gai leo – một loại cây của địa phương. Tìm kiếm trên mạng internet, em thấy đây là một loại dược liệu quý. Làng em lâu nay mọi người vẫn trồng rải rác dùng để uống như trà cho khỏe. Em đã đưa vấn đề này đề đạt với các anh lãnh đạo trong xã và được ủng hộ nhiệt tình. Rất nhanh, công việc của em được mọi người ủng hộ”, Viên kể.
Từ nguồn đất công, chính quyền xã Tú An đã bố trí cho nhóm của Viên gần 2 ha đất để trồng cà gai leo. Viên chọn thêm trong làng được 10 hộ nữa. Công việc tiến triển rất nhanh. Đất đai chuẩn bị sẵn sàng. 80.000 cây giống đang được trồng trên đồng đất mới và bắt đầu bén rễ, trổ lá. Trời hạn, nhóm của Viên bàn nhau bắc đường ống tưới nhỏ giọt để giúp cây phát triển. Theo tính toán của cả nhóm, 1 kg cà gai leo khô được thương lái mua với giá 70.000 đồng. Nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt 5 – 7 tấn/ha/năm. Công đầu tư chỉ tầm 15 triệu đồng/ha và thời gian cho thu hoạch chỉ sau 4 tháng trồng. So với các loại cây trồng khác như mía, bắp, mì… vẫn lãi nhiều hơn.
Viên và nhóm còn đặt tham vọng lớn hơn: chế biến trà gai leo và nhiều sản phẩm khác từ loại cây này mang tên địa phương làng Pơ Nang. Viên cho biết: “Cà gai leo của nhóm em là sản phẩm hữu cơ. Hiện nhóm đang hợp tác với Hợp tác xã nông nghiệp Tú An ở TX.An Khê để phát triển loại cây này. Nếu muốn tăng giá trị của sản phẩm thì phải chế biến ra các loại đồ uống. Hiện lãnh đạo TX.An Khê đã kết nối giúp với một doanh nghiệp ở phía bắc để họ hỗ trợ kỹ thuật chế biến, bao tiêu sản phẩm”.
Đặc biệt hơn, đề án của Viên đang được Ngân hàng Thế giới (WB) chọn để xét hỗ trợ. Viên kể rằng đề án đang nằm trong top 20 và phải nằm trong top 5 mới được. Đây cũng là tin mừng đối với cô gái trẻ người Bana trong hành trình khởi nghiệp. Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An, cho biết: “Đề án này đã được TX.An Khê hỗ trợ 120 triệu đồng để phát triển sản phẩm đến dạng tinh chế, không bán thô. Ngoài cà gai leo, nhóm cũng đang nghiên cứu thêm các loại cây dược liệu khác để trồng ngay trên đồng đất này”.
Điều thú vị là tên làng Pơ Nang, dịch theo tiếng Việt có nghĩa là cây cau. Nhiều người già ở đây kể rằng vùng đất này ngày xưa là một trong những địa điểm luyện quân của những dũng tướng thời Tây Sơn.