Khởi nghiệp giúp nông dân nuôi bò ‘thả vườn’

ông ty khởi nghiệp Crowd Cow (Mỹ) tung chiêu bán thịt qua mạng cho khách đặt hàng, giúp họ không cần đến cửa hàng, siêu thị, thông qua mô hình kết hợp với nông dân Mỹ nuôi bò “thả vườn”.

Mô hình này dựa vào việc ngày càng có nhiều người thích ăn thịt bò chất lượng cao do những nhà sản xuất nhỏ bán qua mạng internet. Các nghiên cứu đã chứng minh bò “thả vườn” có mức axít béo omega 3 cao hơn thịt của các loài gia súc nuôi chuồng. Nông dân của Crowd Cow không sử dụng hormone tăng trọng và có khi (rất hiếm) họ dùng kháng sinh để xử lý các dạng bệnh.

Giám đốc Crowd Cow, ông Joe Heitzeberg đã cùng Ethan Lowry lập công ty, nói công ty giúp người sành ăn kết nối với những nông dân như ông Scott Meyers, người thích dành thời gian làm nông trại hơn là phải làm những việc như lên mạng tự giới thiệu, nhận và giải quyết đơn đặt hàng qua mạng, thuê người giết mổ, vận chuyển….

Crowd Cow đảm nhận các việc trên để bán thịt bò trực tiếp đến khách hàng. Để nhà nông chuẩn bị đầu ra, công ty gởi lịch bán hàng trong 6 tháng đến 1 năm cho họ đăng ký sản phẩm bán, giải pháp này khiến nông dân nhận được giá bán cao hơn, giảm chi phí sản xuất, với đầu ra ổn định hơn.

Nông dân nuôi bò “thả vườn” ở Seattle

Mỗi lần bán, công ty họ chỉ rao bán thịt của một con bò vốn được xả thành 50-60 phần, mỗi phần từ 4,5 đến 5,5 kg. Khi đã có người đăng ký mua hết các phần, họ mới mua bò (gồm có cả loài bò Wagyu của Nhật) từ nông trại của ông Meyers, đưa đi giết mổ theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Thịt bò được “phơi khô” trong hai tuần ở nhiệt độ lạnh bằng cách treo ngược tảng thịt lên cho máu nhiễu xuống. Sau khoảng thời gian khoảng từ 7 đến 30 ngày, máu trong thịt ra hết, thịt có màu đỏ sẫm, vẫn ngọt và tăng độ mềm  và được cho vào bao bì chân không để có thể  giao hàng trong vòng một tuần. Công ty đặt trụ sở ở thành phố Seattle, và có hai điểm giao-nhận ở khu ngoại ô. Khách hàng cũng có thể ra đảo Lopez rồi đến nông trại Cỏ Ngọt của ông Meyers, 60 tuổi.

Trước khi đến với Crowd Cow, các nhà nông thường bán bò ở các phiên chợ đấu giá tại địa phương, các cửa hàng nhỏ, các nhà hàng cao cấp.

Thay vì quảng bá thương hiệu trên số thịt bán, Crowd Cow quảng cáo nơi sản xuất thịt và giúp nhà nông kể chuyện về trại nuôi bò của họ trên chính trang web của công ty. Trên mỗi gói hàng đều in tên và địa chỉ của nông trại, khác với các siêu thị hoặc cửa hàng thịt luôn phớt lờ danh tính các nhà nông cung cấp con bò.

Ông Meyers nói: “Họ rất minh bạch, bán sản phẩm của chúng tôi, giúp tôi có được sự an toàn. Nếu tôi đưa thịt ra cửa hàng thì ít được biết đến”. Vợ ông nói: “Họ là những trung gian thật sự có ích, thật sự đáp ứng một dịch vụ tiện lợi”.

Nông dân Meyers và đàn bò