Khơi dậy đam mê, hỗ trợ khởi nghiệp ở Đồng Tháp

Ở Đồng Tháp, tinh thần khởi nghiệp đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đằng sau sự dám nghĩ, dám làm và thành công ban đầu của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp là những ánh mắt dõi theo, những lời động viên, chia sẻ, sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo địa phương.

Được “truyền lửa”

Cơ sở tre gỗ Cường Thịnh rộng chỉ vài trăm mét vuông (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) trông khá đơn sơ. Thế nhưng, điều làm chúng tôi không khỏi bất ngờ là khi bước vào bên trong, cả bốn bạn trẻ vẫn đang tất bật với các sản phẩm “độc lạ” được làm từ tre trồng ở Việt Nam, phần nhiều là ở Đồng Tháp. Chúng tôi gặp anh Đào Nguyên Quang Kiệt, chủ cơ sở khi đôi tay anh đang nắn nót xửng hấp bánh bao được làm hoàn toàn từ tre.

Anh Kiệt khoe: Trong một lần tham gia hội chợ triển lãm nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, có dịp kết bạn một chủ cơ sở chuyên xuất khẩu bánh bao đi Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).

Thấy anh chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, mẫu mã đẹp, thân thiện với môi trường nên người bạn đã đặt 100 xửng hấp bánh bao, loại xửng mà trước đây người này chỉ đặt ở nước ngoài. Bên trong xưởng tre gỗ khá đơn sơ ấy, chúng tôi còn bắt gặp những chiếc dao, đĩa, muỗng, tách trà… rồi đến các đồ dùng học tập, hoa sen, xe… đều được làm từ tre, hoàn toàn không dùng đến đinh ốc. Trong số đó, giờ đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Đức, Pháp, Canada.

Khởi nghiệp từ tre, nhưng ít ai ngờ, Đào Nguyên Quang Kiệt là một kỹ sư điện tử và bác sĩ thú y. Nhưng rồi cái duyên, niềm đam mê làm sản phẩm từ tre thuở nhỏ vẫn luôn thôi thúc trong anh. Một lần đang là sinh viên, đi thực tế ở khu vực Tây Nguyên, anh Kiệt bắt gặp nhiều sản phẩm mỹ nghệ rất đẹp được làm từ gỗ. Từ đây, anh Kiệt ấp ủ ý tưởng mở cơ sở gia công các sản phẩm từ tre trên chính quê hương của mình. Vậy là chàng kỹ sư từ bỏ tất cả công việc từng học ở giảng đường đại học để bắt tay vào một công việc đầy đam mê. “Có số đồng vốn ít ỏi, tôi đầu tư hết vào nghề gia công sản phẩm từ tre. Thế nhưng thời điểm đó, mọi chuyện với tôi thật sự thê thảm. Đầu tư tiền vào sản phẩm nhưng rồi bán không được, tôi phải vỡ nợ nhiều lần, buộc phải dừng lại. Rồi chuyển sang nghề chạy xe tải thuê. Có tiền trả hết nợ, tôi tiếp tục quay lại khởi nghiệp”, anh Đào Nguyên Quang Kiệt chia sẻ.

Khơi dậy đam mê, hỗ trợ khởi nghiệp ở Đồng Tháp -0
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham quan cơ sở sản xuất bánh kẹo của một bạn trẻ khởi nghiệp. 

Sự khởi nghiệp trở lại của anh Kiệt còn lắm khó khăn, vất vả do số vốn ít ỏi, lẫn kinh nghiệm trong kinh doanh. Tuy nhiên, từ quyết tâm dám nghĩ dám làm, niềm đam mê sáng tạo làm ra những sản phẩm đẹp mắt, nhiều khách hàng đã tìm đến cơ sở anh. Từ đó, anh Kiệt đã mở rộng được quy mô sản xuất, trang bị nhiều máy móc hiện đại. Nói về những thành công ban đầu, anh Kiệt bộc bạch: “Thật tình mà nói, trước đây, đôi khi thấy buồn vì công việc không suôn sẻ. Nhưng phần vì đam mê, trên hết là những năm qua, lãnh đạo tỉnh, sở ngành, địa phương luôn động viên tinh thần, hỗ trợ kịp thời trong việc tư vấn, tiếp cận sản phẩm ra thị trường, từ đó cơ sở không ngừng phát triển”.

Ngoài Đào Nguyên Quang Kiệt, 5 năm trở lại đây, ở Đồng Tháp xuất hiện rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công như: Nguyễn Anh Thy với dự án sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu, Đoàn Ngọc Minh Thùy khởi nghiệp từ những phụ phẩm nông sản để chế biến thành tinh dầu, Huỳnh Ngọc Như khởi nghiệp sản xuất khăn choàng, Ngô Chí Công chuyên sản xuất, kinh doanh hoa sen sấy khô… Sản phẩm của các bạn bước đầu tiếp cận thị trường thông qua các phiên chợ khởi nghiệp, chương trình hàng Việt về nông thôn, phiên chợ nông nghiệp xanh, phiên chợ xanh tử tế, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư…

Còn nhớ năm 2016, Chính phủ chính thức phát động “Quốc gia khởi nghiệp”, khi ấy, phong trào khởi nghiệp ở Đồng Tháp còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, địa phương đã sớm truyền ngọn lửa khởi nghiệp đến các bạn trẻ. Lúc bấy giờ, Đồng Tháp trở thành một trong những tỉnh tiên phong ban hành nhiều chính sách, chủ trương để đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức với quy mô lớn; Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (nay là Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương, và sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa liên tiếp có những chuyến đi cơ sở, len lỏi vào tận các con đường quê để động viên, khơi dậy niềm đam mê đến các bạn trẻ khởi nghiệp.

Khơi dậy đam mê, hỗ trợ khởi nghiệp ở Đồng Tháp -0
 Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành tỉnh thăm hỏi, động viên bạn trẻ khởi nghiệp ở huyện Lai Vung.

Song song đó, nhiều buổi hội thảo, tọa đàm về khởi nghiệp giữa cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện trong tỉnh, các bạn trẻ khởi nghiệp và nhiều chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam được diễn ra. Tại các buổi hội thảo, lãnh đạo tỉnh khẳng định, phong trào khởi nghiệp trước tiên phải được thẩm thấu, khơi gợi từ chính quyền. Trách nhiệm của hệ thống chính trị là cùng xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Tôi cực kỳ ấn tượng với lãnh đạo tỉnh. Trước đây tôi trồng và kinh doanh hoa kiểng. Sau những lần tham dự nghe lãnh đạo tỉnh nói chuyện về khởi nghiệp, rồi lãnh đạo tỉnh đích thân tìm đến động viên, khơi dậy niềm đam mê làm du lịch. Tôi như được truyền lửa, đầu tư mở rộng diện tích 2 ha làm du lịch. Năm rồi, tôi rất vui khi được UBND tỉnh quyết định công nhận Khu vui chơi giải trí miệt vườn Happyland Hùng Thy là điểm du lịch. Nếu không có sự động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh, tôi đã không quyết tâm khởi nghiệp làm du lịch mạnh mẽ như thời gian qua”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, chủ điểm tham quan Happy Land Hùng Thy Sa Ðéc cho biết.