Khoái Châu phân loại, xử lý rác tại nguồn

Cần giảm phí đóng góp thu gom rác thải cho các hộ gia đình thường xuyên phân loại, xử lý rác tại nguồn. Có như vậy mới khuyến khích người dân tham gia, tạo động lực duy trì và mở rộng mô hình.

Huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có dân số gần 200 nghìn người, chủ yếu sống ở khu vực nông thôn. Huyện có chợ đầu mối Đông Tảo, một số làng nghề chế biến nông sản. Các xã, thị trấn đều có chợ dân sinh. Hầu hết các thôn, xóm có chợ cóc, chợ tạm, là nơi buôn bán nông sản nên lượng rác hữu cơ thải ra rất lớn.

Riêng lượng rác sinh hoạt thải ra từ các gia đình ước tính 70 tấn/ngày, trong đó lượng rác hữu cơ chiếm hơn 70%. Phần lớn rác đều được địa phương tổ chức thu gom đưa đi chôn lấp, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rác người dân xả thải tuỳ tiện ra môi trường, gây mất vệ sinh, mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

17-08-46_ho_xu_ly_rc_huu_co_ti_ho_gi_dinh
Hố xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình

Nhận thấy việc thu gom xử lý rác chưa triệt để và còn bất cập, Sở TN-MT Hưng Yên đã phối hợp với UBND huyện Khoái Châu, triển khai xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác tại nhà. Giao Phòng TN – MT, Hội LHPN, các tổ chức chính quyền, đoàn thể trong huyện, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc và kiểm tra việc phân loại, xử lý rác thải tại nhà, trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo đó, chính quyền địa phương hỗ trợ thùng chứa rác hữu cơ hoặc nắp đậy hố rác hữu cơ, chế phẩm vi sinh xử lý rác tại hộ gia đình. Người dân có trách nhiệm phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nhà mình, trước khi đưa vào từng thùng rác. Việc làm này dần đang đi vào nền nếp và đã tạo sự chuyển biến về nhận thức.

Kết quả trong 3 năm (2015 – 2017), huyện Khoái Châu đã tổ chức được 175 lớp tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác tại nguồn cho hơn 20.000 lượt người dân cư trú trên địa bàn. Cấp phát 13.145 thùng chứa rác/nắp hố rác và gần 30.000 gói chế phẩm vi sinh cho các hộ dân tham gia mô hình.

Qua đó, phân loại và xử lý được hơn 30.000 tấn rác thải hữu cơ các loại (cỏ, rác, thức ăn dư thừa, rau, củ, quả phế thải), trong đó hầu hết các rác thải sau xử lý, được đưa trở lại ruộng, vườn làm phân bón cho cây trồng.

Đến hết tháng 12/2017 mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn đã được triển khai tại 25/25 xã, thị trấn, với hơn 13.000 hộ gia đình tham gia (chiếm 23% tổng số hộ dân). Dự kiến tới cuối năm 2018, Khoái Châu sẽ có thêm 5.000 hộ dân tham gia phân loại, xử lý rác tại nguồn, nâng tỷ lệ số hộ dân tham gia mô hình lên 32% trong toàn huyện.

Mô hình bước đầu đã tạo được thói quen phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại các hộ dân. Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phân loại, xử lý rác tại nguồn, như về tập thể có các xã Bình Kiều, Dân Tiến, Thuần Hưng, Liên Khê, Nhuế Dương, Tân Dân, Tứ Dân, Hàm Tử, Dạ Trạch, Ông Đình, An Vĩ. Cá nhân có gia đình các chị Nguyễn Thị Quỳnh (xã Đông Tảo), Nguyễn Thị Thuỷ (xã Thuần Hưng), Đỗ Thị Hoà (xã Dân Tiến), Vũ Thị Tuyết (xã An Vĩ), Trần Thị Chiến (xã Tân Châu), Lê Thị Tươi (xã Đông Ninh), Vũ Thị Nụ (xã Hàm Tử), Nguyễn Thị Kim Chi (xã Bình Minh), Nguyễn Thị Khang (xã Việt Hoà), Vũ Thị Dung (xã Ông Đình)…

Đến nay có thể khẳng định, việc xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn ở huyện Khoái Châu đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra. Mô hình góp phần giảm diện tích đất dành để chôn lấp, xử lý rác tập trung, giảm nguồn lực đầu tư cho công tác thu gom rác các loại, tạo được nguồn phân bón hữu cơ chất lượng tốt cho cây trồng.

17-08-46_hot_dong_chon_lp_rc_thi_tp_trung
Hoạt động chôn lấp rác thải tập trung

Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn còn thấp, nhất là kinh phí hỗ trợ cho công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát các mô hình. Tại một số xã, cấp uỷ Đảng và chính quyền còn phó mặc cho Hội LHPN cơ sở, ít quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, tổ chức đoàn thể cùng phối hợp thực hiện. Các thùng rác cấp phát, khi chứa rác thường bị rò rỉ nước, gây ô nhiễm môi trường.

Điều đáng nói các hộ gia đình thực hiện tốt vẫn phải góp phí thu gom rác thải như các hộ không tham gia xử lý rác tại nguồn, nên không khuyến khích phong trào. Lượng rác thải hữu cơ tại chợ đầu mối và các chợ dân sinh rất lớn, nhưng chưa được phân loại, xử lý tận dụng làm phân bón. Chưa gắn việc phân loại xử lý rác tại nguồn với qui hoạch xây dựng NTM.

“Qua thực tế xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn ở Khoái Châu cho thấy: Ở xã, thị trấn nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực, chủ động của ngành chuyên môn, và các tổ chức đoàn thể thì ở xã, thị trấn đó tạo được thói quen phân loại, xử lý rác tại nguồn trong các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Sở TN-MT Hưng Yên cho hay.