Khánh Hòa vào vụ nuôi tôm

Để vụ nuôi nước lợ năm 2018 thắng lợi, tỉnh Khánh Hòa đã thông báo lịch thời vụ, hướng dẫn người nuôi áp dụng KHKT và phòng trừ dịch bệnh…

Thận trọng

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phó trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, toàn tỉnh có trên 2.000ha ao tôm nước lợ, tập trung tại các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm và TX Ninh Hòa… Để chủ động, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo kế hoạch vụ nuôi thắng lợi, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn lịch thời vụ thả giống đến các vùng nuôi.

12-29-45_1
Người nuôi tôm Khánh Hòa bước vào vụ mới

Theo đó, đối với nuôi tôm chân trắng, thời gian thả giống từ nửa cuối tháng 2 – 9. Nếu nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh thì thả giống mật độ cao trên 100 con/m2, đồng thời có sự đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ tiên tiến; xây dựng hệ thống mương cấp, thoát nước riêng biệt, có ao xử lý nước thải, bùn trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Còn nuôi theo phương quảng canh, quảng canh cải tiến, người nuôi có thể nuôi kết hợp đa dạng sinh học như tôm thẻ chân trắng với cá rô phi hay tôm cua…

Đối với thả nuôi tôm sú từ tháng 3 – 8. Mật độ thả từ 15 – 25 con/m2. Ở các khu vực không nuôi thâm canh và bán thâm canh được, người nuôi nên kết hợp đa dạng sinh học như tôm sú với cá dìa, cá măng, cá đối hoặc rô phi, hải sâm, rau câu…

Tuy nhiên trước khi thả giống tôm 5 – 10 ngày, bà Thư khuyến cáo người nuôi nên theo dõi diễn biến thời tiết nếu không thuận lợi nên dừng thả giống. Người nuôi nên ương dưỡng và sử dụng con giống cỡ lớn để thả nuôi thương phẩm. Tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước khu vực nuôi cả mình. Nên thả giống đồng loạt tại các vùng nuôi tập trung. Sử dụng các loại thức ăn, hóa chất, thuốc thú y và chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong thủy sản phải nằm trong danh mục cho phép.

“Qua khảo sát các vùng nuôi tôm chúng tôi nhận thấy người dân tuân thủ theo lịch thời vụ. Tính đến nay người nuôi đã thả trên 200ha. Hầu hết người nuôi đã cải tạo ao đìa trước khi thả giống và ý thức được mua giống có uy tín”, bà Thư cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi hoặc vùng nuôi nên liên kết với hiệp hội tôm giống hay cơ sở sản xuất giống nằm trong chương trình giám sát dịch bệnh, có uy tín để cung ứng giống tốt hơn.
 

Áp dụng công nghệ nuôi hiện đại

Theo bà Thư, những năm gần đây nhờ các chương trình, dự án CRSD lan tỏa đã giúp người nuôi tôm tiếp cận các mô hình, công nghệ nuôi hiện đại. Trong đó công nghệ Biofloc trong nuôi tôm hiện đang áp dụng rộng rãi tại xã Ninh Phú (TX Ninh Hòa). Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được dịch bệnh, tôm nuôi mau lớn, sản phẩm thu hoạch đảm bảo ATTP.

Tại trang trại nuôi tôm Chính Mỹ, xã Diên Phú hiện tiên phong với công nghệ nuôi này. Anh Lê Minh Chính, chủ trang trại cho biết, công nghệ nuôi tôm được anh học hỏi từ Thái Lan, kết hợp nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ năm 2014, với diện tích ban đầu khoảng 1ha đến nay anh Chính đã mở rộng 3ha. Hiệu quả tôm nuôi ở đây cứ 2,5 – 3 tháng là thu hoạch, đạt size 40 con/kg, bán với giá khoảng 160 ngàn đ/kg, cao hơn giá tôm nuôi truyền thống. Nhờ tôm lớn nhanh, kiểm soát được dịch bệnh, mỗi năm trang trại nuôi từ 4 – 5 vụ. Trung bình mỗi ao (1.500m2), thả từ 200 – 250 con/m2, thu 4 – 5 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ chi phí anh Chính lãi hàng tỷ đồng/năm.

Ông Tô Mỹ Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cũng xác nhận mô hình nuôi tôm công nghệ Biofloc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tính đến nay toàn xã đã có 10 ha nuôi tôm áp dụng công nghệ này.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa lưu ý các hộ phải nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thủy sản của chính quyền địa phương. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, xét nghiệm các bệnh trên tôm. Có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường. Tuyệt đối không được xả tôm chết, nước nuôi chưa xử lý ra môi trường.
Theo Nongnghiep.vn