Kết nối cho những vùng trái cây của Hà Nội

Sản xuất giờ không phải có gì làm nấy, có gì bán nấy mà phải cập nhật, kết nối được với những nhu cầu ngày một đa dạng, khắt khe hơn của thị trường…

08-09-16_giongbuoidien
Bưởi Diễn – đặc sản của Hà Nội

Hà Nội sau khi mở rộng, sáp nhập trở thành địa phương có nhiều vùng địa chất từ miền núi, đồi gò đến đồng bằng, có nhiều tiểu khí hậu hết sức đa dạng, rất thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả. Theo thống kê mới đây từ Sở NN-PTNT Hà Nội, diện tích trồng cây ăn quả của thành phố là 16.700ha, tăng 1.200ha so với năm 2015 trong đó có khoảng 1.000ha trồng cam, 3.000ha trồng bưởi…

So với một số tỉnh ở miền Bắc, việc phát triển cây ăn quả mà nhất là loại có múi của Hà Nội được đánh giá là vẫn nằm trong kế hoạch, song  việc kiểm soát quy hoạch lại khó khăn, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là ở mức nông hộ, không có nhiều trang trại vừa và lớn.

Thêm vào đó, các chủ vườn còn nặng tâm lý “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, chạy theo lợi nhuận, hễ loại sản phẩm nào đang bán chạy lại đua nhau trồng, loại sản phẩm nào bị ế vài năm lại đua nhau chặt hạ.

Trong khi đó, việc đảm bảo chất lượng mà nhất là quản lý toàn diện theo quy trình an toàn còn chưa được rộng rãi. Có rất ít diện tích cây ăn quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP nên việc gia tăng giá trị khi nội tiêu cũng như tìm kiếm cửa để xuất khẩu còn nhiều hạn chế.  Giá bán một số loại hoa quả của Hà Nội gần đây đã có xu hướng giảm, nhất là với cây trồng có múi như cam Canh, bưởi Diễn, chỉ bằng một nửa so với mấy năm về trước… Trong khi đó, đây đều là những cây đặc sản bản địa có từ lâu đời của Hà Nội, có nhiều tiềm năng để phát triển thành hàng hóa có khối lượng lớn, gia tăng giá trị trên một diện tích cho các nhà vườn.

“Thành phố Hà Nội đang tiến hành khảo sát các loại cây ăn quả trên địa bàn như bưởi đỏ Khánh Thượng, nhãn Đại Thành hay bưởi Phú Xuyên, cam Canh, bưởi Diễn… xem nơi nào sản xuất thì phù hợp, làm sao để nâng cao chất lượng và gắn được thương hiệu vào đó” – Một lãnh đạo của Sở NN-PTNT Hà Nội chia sẻ quan điểm phát triển ngành trong diễn đàn “Kết nối sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn năm 2018” tổ chức mới đây .

Theo đó, đơn vị này đã có những phương án nhằm hỗ trợ người nông dân phát triển và mở rộng thương hiệu cho thị trường trái cây của Hà Nội cả về tổ chức sản xuất cũng như việc liên kết các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cụ thể, Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ xác định những vùng trồng cây ăn quả thích hợp kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng thương hiệu đồng thời tiếp tục ứng dụng nhận diện cho vùng trồng cũng như hay đăng kí nhãn hiệu cho các loại quả đặc sản…

Bởi thế, hơn bao giờ hết, việc liên kết trong chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm với các doanh nghiệp để kết nối ra thị trường trở thành một điều kiện thiết yếu, thành chủ trương chung để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn.

*Tính đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các loại cây ăn quả mà phần nhiều là loại có múi như bưởi, cam… Trong một kế hoạch không xa Hà Nội sẽ phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị từ sản xuất cây ăn quả sẽ chiếm ít nhất từ 15 – 20%.