Iran muốn đẩy mạnh xuất khẩu táo và kiwi sang Việt Nam

Kim ngạch thương mại Việt Nam Iran hiện vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ trên 100 triệu USD mỗi năm, cho thấy còn nhiều dư địa thúc đẩy, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Đây là nội dung chính trong buổi làm việc của Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari cùng với Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, ngày 18/8.

Phía Iran đã chuẩn bị và sẵn sàng trả lời các câu hỏi để có được giấy phép cho một số hoa quả xuất khẩu sang Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Ali Akbar Nazari cho biết, Iran rất mong muốn được cấp giấy phép để xuất khẩu một số mặt hàng hoa quả tươi vào Việt Nam. “Phía Iran đã chuẩn bị và sẵn sàng trả lời các câu hỏi để có được giấy phép cho một số hoa quả như táo, kiwi, nho, chà là, trong đó ưu tiên cho táo và kiwi để xuất khẩu sang Việt Nam”, ông Ali Akbar Nazari chia sẻ.

Đại sứ cũng khẳng định những mặt hàng này hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường Việt Nam bằng chất lượng và khả năng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari cùng với Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh trong buổi làm việc ngày 18/8.

Đại diện quốc gia Hồi giáo này cũng thông tin, theo kế hoạch, phiên họp thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Iran sẽ được tổ chức trong năm 2022, do đó phía Iran đang chờ Bộ NN&PTNT đưa ra thời gian tổ chức. Tại hội nghị này có thể sẽ bàn về các vấn đề chưa được triển khai mạnh như ngân hàng hay thủy sản.

Về phía Bộ NN&PTNT Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, hai nước có rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, cần thúc đẩy thêm thương mại nông sản do các sản phẩm không cạnh tranh mà bổ trợ cho nhau.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sang Iran có thể tiếp cận với các thị trường khác ở khu vực lân cận.

Liên quan kỳ họp thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp trong quý IV và thời gian cụ thể sẽ thông báo sau cho phía Đại sứ quán Iran.

“Cần thúc đẩy quá trình thực hiện kiểm dịch động vật, thực vật để có thể ký kết vào kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 10 sắp tới. Đây là biện pháp để tạo hành lang thông thoáng, góp phần phát triển thương mại nông sản 2 chiều”, Thứ trưởng Doanh cho biết.

Riêng mặt hàng táo và kiwi, Thứ trưởng NN&PTNT khẳng định Việt Nam rất ủng hộ và chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đảm bảo đúng các quy định hiện hành để sớm mở cửa, giúp người dân có thể có thêm nhiều lựa chọn khi mua hàng. “Tôi tin rằng, với khí hậu đặc thù của Iran thì những hoa quả này sẽ rất ngon”, Thứ trưởng Doanh đánh giá.

Đến nay, Việt Nam và Iran đã ký một số thỏa thuận hợp tác như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, Hiệp định về thương mại (trong đó có điều khoản MFN) và lập Ủy ban hỗn hợp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư…

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Iran cho biết, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông thủy sản như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ… và nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như sản chất dẻo, phẩm dầu mỏ, cao su, kim loại thường, tân dược. Điều này cho thấy, thương mại nông nghiệp 2 nước vẫn còn nhiều tiềm năng.