Huyện Như Xuân phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP

Là huyện miền núi có nhiều tiềm năng về nguồn nông sản, thời gian qua huyện Như Xuân đã lựa chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện đã xây dựng được 10 sản phẩm OCOP và đang tiếp tục xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng thành sản phẩm OCOP.

Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân đến thăm HTX dịch vụ nông nghiệp hương bài Yên Cát đúng thời điểm các thành viên đang tất bật làm ra những mẻ hương bài để kịp cung ứng đơn đặt hàng. Chị Lê Thị Hằng, giám đốc HTX cho biết: Được sự hỗ trợ của UBND huyện, năm 2021 HTX dịch vụ nông nghiệp hương bài Yên Cát được thành lập, với 16 thành viên. Cùng sự hỗ trợ của huyện, các thành viên HTX đã đầu tư nhà xưởng, máy lọc, máy xay, lò sấy, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, tháng 11-2021 sản phẩm hương bài Yên Cát đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trước đây, sản xuất hương bài theo mùa, nhưng khi sản phẩm hương bài đạt chuẩn, đã có nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua, nên hiện nay hương bài sản xuất quanh năm. Nhờ đó, sản lượng bán hàng tăng 15%, doanh thu tăng 20%, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Sản phẩm hương bài Yên Cát được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay trên địa bàn huyện Như Xuân đã có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh (cao nhất khu vực miền núi). Các sản phẩm thực hiện xúc tiến thương mại thông qua hội chợ triển lãm, trưng bày của tỉnh; trên các website… Có được kết quả trên, thời gian qua huyện Như Xuân đã triển khai Chương trình OCOP đến các xã, thị trấn, các chủ thể sản xuất thông qua các cuộc họp triển khai sản xuất ngành nông nghiệp, lồng ghép các cuộc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho các chủ thể từng bước hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm tham gia OCOP. Kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP…

Ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, hiện nay huyện đang tập trung cho 2 nhóm sản phẩm. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng để hỗ trợ chủ thể sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với sản phẩm tiềm năng, huyện sẽ ưu tiên các sản phẩm có ý tưởng mới, các sản phẩm chế biến, chế biến sâu và các sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương. Từ đó, tập trung hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận với nguồn vốn, khoa học – kỹ thuật và đào tạo nghề, từ đó nâng cao năng lực cho các chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP…