Hương Sơn khẩn trương phòng trừ bệnh bạc lá gây hại lúa xuân

Chỉ hơn 10 ngày bệnh bạc lá do vi khuẩn trên lúa xuân xuất hiện, đến nay, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có hơn 35 ha lúa bị nhiễm bệnh.

Hơn 35 ha lúa vụ xuân ở Hương Sơn bị nhiễm bệnh bạc lá.

Bệnh bạc lá xuất hiện tại địa bàn huyện Hương Sơn từ ngày 29/3 trên 2 ha lúa vụ xuân tại xã Tân Mỹ Hà, tỷ lệ nhiễm 5-10%. Tuy nhiên, vài ngày sau, bệnh phát sinh gây hại với tốc độ lây lan nhanh.

Đến nay, toàn huyện Hương Sơn đã có 35 ha lúa vụ xuân bị nhiễm bệnh, gây hại trên các giống nếp, ADI168, Xuân Mai 12, Thái Xuyên 111…, tập trung tại các xã: Tân Mỹ Hà, Sơn Châu, Sơn Long, Sơn Bình, Sơn Ninh, Sơn Bằng…

Thời gian này, những cây lúa đang giai đoạn phân hóa đòng, chuẩn bị trổ bông ở xứ đồng thuộc thôn Phú Mỹ (xã Tân Mỹ Hà) bị nhiễm cháy vàng, khô lá do bệnh bạc lá.

Bệnh bạc lá vi khuẩn lây lan nhanh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ xuân.

Gia đình ông Nguyễn Khánh (thôn Phú Mỹ) có 6 sào lúa giống ADI 168 đang phát triển tốt thì xuất hiện bệnh bạc lá vi khuẩn làm hơn 50% diện tích bị úa vàng.

“Bệnh này lây lan rất nhanh, mới đầu chỉ một vài khóm nhỏ nhưng 3 ngày sau đã lan ra cả sào. Vụ lúa xuân năm trước, nhiều diện tích của tôi cũng bị bệnh này tấn công, thiệt hại hơn 70% sản lượng. Tôi đang thực hiện các biện pháp phun thuốc, bón phân, rắc vôi bột phòng trừ bệnh lây lan” – ông Khánh cho hay.

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ

Theo báo cáo của địa phương, đến nay, xã Tân Mỹ Hà có 30/420 ha lúa bị nhiễm bệnh bạc lá. Ông Võ Tiến Quân – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà cho biết: Bệnh bạc lá do vi khuẩn là loại bệnh nguy hiểm, nếu nhiễm nặng sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa.

Trước tình hình dịch bệnh, chính quyền địa phương đã mời cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện về tổ chức hội thảo đầu bờ, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân phun các loại thuốc: Xantocin 40WP, Totan 200WP, Kasumin 2SL, Physan 20SL để bảo vệ lúa xuân.

Những ruộng bị nhiễm bệnh nặng, bà con phun kép lại sau thời gian từ 7-10 ngày, liều lượng tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, bón bổ sung 10 kg super lân và 2 kg phân trung lượng bón rễ Bosica cho 1 sào giúp tăng cường hoạt động của bộ rễ và sức đề kháng cho cây.

Thời tiết gió to, đêm và sáng se lạnh là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh bạc lá vi khuẩn lây lan.

Được biết, thời tiết ngày nắng gắt, gió to, đêm và sáng se lạnh như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa, đặc biệt là bệnh bạc lá vi khuẩn…

“Một hoặc hai bên bề mặt mép lá lúa xuất hiện những vệt màu vàng, sau đó lan ra toàn bộ lá lúa và chuyển sang vàng sẫm, rồi tiếp tục chuyển sang màu trắng” – chị Bùi Thị Long, cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho hay.

Người dân cần khẩn trương phun thuốc để phòng trừ bệnh bạc lá vi khuẩn kịp thời, hiệu quả.

Theo ông Phạm Xuân Yên – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn, bệnh bạc lá vi khuẩn trên địa bàn huyện đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để bảo vệ năng suất, sản lượng cho 4.700 ha lúa vụ xuân, huyện đã ban hành Công điện 07/CĐ-UBND ngày 5/4/2021 về việc khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh bạc lá vi khuẩn cho lúa vụ xuân.

Theo đó, các địa phương cần phải tập trung chỉ đạo kịp thời, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng trừ. Ngoài công tác tuyên truyền cần phải tổ chức thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sớm diện tích bị bệnh để thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn.