Hướng dẫn sản xuất cây vụ Đông 2018

Vụ Đông là vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi (mưa lớn, gió bão, lũ lụt…) làm cho cây trồng dễ bị ngập úng, dập nát, sâu bệnh. Để chuẩn bị tốt cho sản xuất, hạn chế những bất lợi của thời tiết và chủ động trong việc quản lý dịch hại trên cây trồng vụ Đông, dưới đây là một số nội dung đáng chú ý:

1. Thời vụ và cây trồng

Thời vụ sản xuất cây vụ Đông bắt đầu từ tháng 9 – 11 dương lịch, tùy theo từng loại cây trồng, từng vùng đất mà bố trí thời vụ sản xuất phù hợp. Cây trồng chủ yếu ở các vùng như sau:

– Vùng cát: Nhóm cây họ hành (kiệu, hành, nén); cây họ thập tự (cải xanh, cải củ, xà lách…); cà chua; cây dưa leo, bầu bí; hoa (Lay-ơn, Lily, Cúc)…

– Vùng gò đồi: Bố trí được nhiều loại cây trồng như rau ăn lá, ăn quả, đậu đỗ, bầu bí, khoai lang, khoai môn…

– Vùng đồng bằng: Trồng khoai lang trên đất lúa chân cao và các loại rau ăn lá, củ, quả trên đất vườn, đất màu.

2. Các biện pháp kỹ thuật

2.1. Làm đất

Đất trồng phải lên luống cao, đảm bảo cho việc thoát nước tốt và tránh cây bị vùi lấp khi trời mưa to; dùng rơm rạ để che phủ mặt luống nhằm giảm tác động của hạt mưa lên mặt luống.

Lưu ý: Không nên làm đất quá nhuyễn để tránh đất bị dí chặt khi gặp mưa lớn, gây nên tình trạng nghẹt rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.

2.2. Giống

– Chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn.

– Nên chọn mua giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ rằng (có bao bì nhãn mác..), hoặc những giống có chất lượng do nông dân tự để giống để đạt tỷ lệ nảy mầm cao.

– Đối với các loại hạt giống lai F1, phải mua giống mới của các Công ty chuyên sản xuất giống (bán ở các Đại lý) có uy tín; không dùng giống do nông dân tự để giống, vì sẽ cho năng suất thấp.

2.3. Trồng và chăm sóc

a) Làm giàn che: Ngoài biện pháp gieo hạt trực tiếp, cây vụ Đông nên ưu tiên gieo hạt trong bầu, chăm sóc trong vườn ươm, có mái che để tránh hư hỏng giai đoạn cây con và rút ngắn thời gian sinh trưởng trên đồng ruộng. Nên làm nhà lưới hoặc các loại giàn che bằng liếp, lá, rơm rạ để che mưa gió, chống đổ ngã, dập nát cho cây; khi trời nắng có thể cuộn lưới, tháo mái che tạo điều kiện để cây quang hợp tốt.

Nếu làm giàn che bằng lưới nên dùng loại lưới màu trắng vừa giảm tác hại của hạt mưa, vừa có ánh sáng cho cây phát triển trong vụ này.

b) Bón phân: Bón phân cân đối và đầy đủ, giúp cây khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện bất lợi do thời tiết và sâu bệnh gây ra, ưu tiên bón phân chuồng, phân xanh và bón đủ lượng vôi, Lân và Kali.

c) Tiêu nước: Đa số các loại rau màu đều không chịu ngập úng, đặc biệt là giai đoạn cây con. Do vậy, sau các trận mưa to cần xới phá váng, khơi thông mương rãnh để nước thoát nhanh, không để ngập úng trong thời gian dài cây dễ bị thối rễ. Những diện tích không thoát nước được bằng tự chảy cần phải chuẩn bị sẵn máy bơm để bơm rút nước từ trong ruộng ra ngoài.

d) Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên dọn sạch cỏ dại để hạn chế việc tranh chấp dinh dưỡng và ánh sáng, tạo sự thông thoáng để giúp cây trồng quang hợp tốt hơn và hạn chế sâu bệnh hại phát triển. Sau khi thu hoạch, cần dọn sạch tàn dư cây trồng để hạn chế nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ kế tiếp, đặc biệt đối với những loại rau ăn lá thu hoạch theo lứa, kỳ.

2.4. Phòng trừ sâu, bệnh

Thường xuyên thăm vườn ươm, ruộng sản xuất để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại và có biện pháp xử lý kịp thời.

a) Đối với các loại sâu hại:

Khi mật độ sâu đến mức có khả năng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, dùng các loại thuốc trừ sâu phù hợp được chỉ định sử dụng cho từng cây trồng và từng đối tượng sâu hại để phun trừ.

Đối với nhóm chích hút (rệp, rầy…) thường gây hại cục bộ (theo từng chòm), nên khoanh vùng và phun thuốc trực tiếp vào chòm đó.

Đối với ruồi đục lá, cần thu gom các lá già, lá bị ruồi đục đem chôn đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn gây hại.

b) Đối với bệnh hại:

Đối với bệnh sương mai trên cà chua, môn, bệnh giả sương mai trên cây họ bầu bí, bệnh thối rễ chết cây con trên rau, đậu thực phẩm, sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl như Ridomil Gold 68WP, Mataxyl 25WP hoặc Aliette 800WG… để phòng trừ. Phun khi bệnh mới xuất hiện và có khả năng phát sinh, phát triển mạnh.

Đối với bệnh thối nhũn trên rau cải các loại do vi khuẩn gây ra: Để hạn chế bệnh, cần áp dụng các biện pháp như xử lý đất bằng vôi trước khi trồng, lên luống cao, thoát nước tốt, kết hợp với việc xử lý các loại thuốc trừ vi khuẩn như: Kasumin 2L, Kasuran 47WP, New Kasuran 16.6BTN, Starner 20WP…

Lưu ý: Trên rau ăn lá, thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch ngắn, các loại quả vừa có lứa thu hoạch vừa có lứa non, do đó khi dùng thuốc BVTV phải sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau và ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.