Hoa quả để nửa năm không hỏng có độc hại đối với người tiêu dùng?

Hiện nay, có một số loại hoa quả có thể bảo quản được 2, 3 tháng, thậm chí cả nửa năm không hỏng khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

nho trung quoc mao danh nho ninh thuan

Ảnh minh họa

Dưa hấu để 6 tháng không hỏng nhờ công nghệ bảo quản tốt

Nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo ngại, băn khoăn khi có những loại quả họ mua về để 2, 3 tháng thậm chí đến cả nửa năm không thấy hỏng. Họ nghi ngờ có chất độc bảo quản mới giúp cho hoa quả tươi lâu như vậy. 

Thắc mắc này của người tiêu dùng cũng đã được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến "Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm" do báo Hà Nội Mới phối hợp cùng Sở Y tế Hà Nội tổ chức vào chiều ngày 29/08.

Giải đáp thắc mắc của độc giả, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: "Để giữ các loại hoa quả được lâu cần dùng đến hóa chất bảo quản bởi hoa quả có mùa, còn người tiêu dùng lại dùng hoa quả quanh năm. 

Vì vậy, nhà sản xuất đã nghiên cứu được các hoạt chất giúp hoa quả tươi lâu. Ở một số nước, các loại hóa chất phải được thử nghiệm để vừa giữ được độ tươi nhưng vẫn an toàn với sức khỏe. Chúng ta có thể cho rằng thuốc giữ hoa quả tươi lâu tương đương thuốc bảo vệ thực vật, như vậy nếu sử dụng đúng liều lượng, chủng loại thì đảm bảo sức khỏe.

Tọa đàm trực tuyến Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm

Iọa đàm trực tuyến "Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm"

Nguyên tắc của thuốc này nhằm diệt các loại nấm phát triển trên hoa quả gây thối, bịt các lỗ vi khuẩn để hoa quả ngừng trao đổi chất với môi trường bên ngoài như vậy có thể giữ được chất và tươi lâu. Tuy nhiên, các chất bảo quản đó mà sử dụng quá liều lượng cho phép thì cũng không tốt. Do vậy quan niệm hoa quả để được lâu là nhờ chất bảo quản độc hại là không chính xác".

Ông Long cũng lấy ví dụ về trường hợp của một người nông dân trồng dưa hấu ở Tây Nam Bộ đã áp dụng những biện pháp bảo quản nghiêm ngặt nên có thể giữ được quả dưa đến 6 tháng. Điều đó chứng minh rằng, không chỉ có các loại hoa quả nhập khẩu, hoa quả Việt Nam cũng đang được áp dụng những biện pháp khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Hoa quả để nửa năm không hỏng là nhờ công nghệ bảo quản tốt chứ không phải sử dụng hóa chất độc hại.

Cách phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn

Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm sử dụng hóa chất độc hại, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng mỗi khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn cũng đã được đưa ra tại buổi tọa đàm.

Trả lời thắc mắc của độc giả liên quan đến việc người tiêu dùng áp dụng một số biện pháp để giảm bớt dư thuốc trừ sâu trên hoa quả, rau, đó là ngâm rau, hoa quả vào nước gạo, nước pha dấm… có hiệu quả hay không, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: 

"Thuốc bảo vệ thực vật có loại tác động tiếp xúc, có loại tác động thấm sâu, có loại tác động nội hấp, lưu dẫn nên không thể loại trừ hoàn toàn dư lượng trong trái cây khi đã sử dụng hóa chất. Chỉ có thể giảm bớt phần nhỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có tác động tiếp xúc bằng biện pháp rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước ôzon mười phút. Không thể giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực với các loại thuốc có tác động thấm sâu, tác động nội hấp, lưu dẫn".

chuoi xuat khau

Ảnh minh họa

Trong buổi tọa đàm, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, cũng hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm sạch. Theo đó, người tiêu dùng khi mua hàng nên lựa chọn địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng; lựa chọn các sản phẩm có tem nhãn địa chỉ rõ ràng; lựa chọn những sản phẩm có màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, nặng tay, bề ngoài nguyên vẹn không bị trầy xước.

Đối với rau, tôn trọng mùa nào thức ấy, không mua các loại rau có thân, lá mập mạp, xanh non hơn mức bình thường. Đối với quả, tôn trọng mùa nào thức ấy, sử dụng nhiều các loại quả có lớp vỏ dày: chuối, cam, bưởi…

Theo kinh nghiệm của người làm vườn, phân biệt trái cây ngon không khó, chỉ cần sờ bằng tay và nhìn bằng mắt là đã có thể nhận biết được hầu hết các loại trái cây ngon hay dở. Người tiêu dùng nên chọn các loại quả có cuống tươi, màu sắc tự nhiên, cầm thấy nặng, chắc tay, một số loại quả có tinh dầu khi dùng móng tay bấm nhẹ, tinh dầu bắn ra là quả đạt chất lượng, không bị ngâm.

Còn về việc lựa chọn các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đạt các tiêu chí theo thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2017 của Bộ Y tế “Quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố”. Riêng Hà Nội áp dụng 10 tiêu chí theo Hướng dẫn 2248/HD-SYT ngày 27/6/2017 của Sở Y tế Hà Nội.

An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng nhiều và trực tiếp tới sức khoẻ của người dân. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 1.600 người mắc, khoảng 1.400 người nhập viện và 17 trường hợp tử vong. 

Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận 7 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong.

Rõ ràng cuộc chiến ngăn chặn thực phẩm bẩn là một cuộc chiến dài hơi, đỏi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng toàn thể người dân. Mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm sạch, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trái cây chưa kịp ăn đã nảy mầm chi chít

Phát hiện hơn 2 tấn trân châu, cánh gà thối chuẩn bị vào quán ăn​

Theo GĐ&XH