Hiệu quả từ mô hình nuôi bò vỗ béo ở Đa Phước

Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Đa Phước (An Phú, An Giang) đã phát triển cách đây 10 năm. Từ mô hình nhỏ lẻ, đến nay, toàn xã có khoảng 50 hộ dân tham gia. Với nhiều ưu điểm như: không tốn nhiều công chăm sóc, tận dụng thời gian nông nhàn và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao… mô hình đã giúp nhiều nông dân có được nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao.

“Đầu ra” ổn định

Theo hướng dẫn của Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước, chúng tôi tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Phạm Thanh Bình (ngụ ấp Hà Bao 1). Tiếp chúng tôi tại khu vực chăn nuôi, ông Bình khoe: “Tháng vừa rồi, gia đình tôi vừa “gả” 1 cặp bò. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận được 10 triệu đồng/con. Hiện tôi còn 2 chuồng, mỗi chuồng nuôi 2 con, dự định đến cuối năm sẽ bán”

Qua trao đổi được biết, ông Bình là một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình nuôi bò ở địa phương. Hơn 8 năm kinh nghiệm, ông Bình cho biết, nuôi bò vỗ béo không khó, tuy nhiên để đảm bảo “chắc ăn” phải nắm vững kỹ thuật chăn nuôi. Theo đó, con giống từ ban đầu phải đảm bảo chất lượng và được mua ở những cơ sở uy tín. Chuồng nuôi bò lúc nào cũng phải khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ…

“Tùy theo trọng lượng, kích thước bò bắt về nuôi mà thời gian xuất chuồng khác nhau, bình quân từ 6-10 tháng là có thể xuất chuồng. Lợi nhuận mỗi con đạt được từ 6-10 triệu đồng. Hiện nay, nhu cầu về thịt bò rất lớn nên người chăn nuôi không phải lo “đầu ra”, cứ gần đến ngày xuất bán là thương lái tự động đến liên hệ và chọn ngày thu mua” – ông Bình chia sẻ.

Nuôi bò vỗ béo giúp nhiều nông dân xã Đa Phước có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn

Giống như gia đình ông Phạm Thanh Bình, bà Trịnh Thị Sen lựa chọn mô hình chăn nuôi bò vỗ béo để phát triển kinh tế gia đình. Bà Sen cho biết, công việc làm rẫy có nhiều thời gian rảnh rỗi, bên cạnh đó là đam mê với nuôi bò, nên khoảng năm 2013, gia đình bà lập chuồng nuôi 6 con bò. Nhờ được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình bà Sen không gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăn nuôi.

Để đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài chủ động nguồn thức ăn, gia đình bà Sen còn thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn bò, từ đó có những biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý. “Hiện nay, mô hình nuôi bò đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại, phát triển thêm số lượng bò để tăng thu nhập cho gia đình” – bà Sen chia sẻ.

Nhằm kéo giảm các khoản chi phí chăn nuôi, nông dân nuôi bò ở xã Đa Phước kết hợp trồng thêm cỏ voi theo công thức “1 con bò, nửa công cỏ”. Với cách làm này giúp người nông dân chủ động được nguồn thức ăn giảm nhân công cắt cỏ, giảm chi phí nuôi vỗ béo so với việc phải thu mua thức ăn…

Liên kết nông hộ

Mô hình nuôi bò vỗ béo được hình thành ở xã Đa Phước từ khoảng 10 năm nay. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay đã có 50 hộ tham gia mô hình, tập trung chủ yếu ở ấp Hà Bao 1. Bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 4-6 con. Các hộ chủ yếu nuôi theo hình thức vỗ béo, mua bò tơ về nuôi trong thời gian từ 6-10 tháng cho xuất bán. Với phương pháp này, bình quân mỗi con bò, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 6-10 triệu đồng. Nhờ phát triển chăn nuôi bò nên nguồn thu nhập người nông dân nâng cao rõ rệt.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước Nguyễn Đoàn Nhật Ánh cho biết, nhằm hỗ trợ nông dân được tiếp cận những chính sách để phát triển chăn nuôi, năm 2017, Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động bà con tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt thương phẩm. Lúc mới thành lập, tổ có sự tham gia 12 hộ dân, đến nay do thấy được tính hiệu quả khi tham gia vào tổ, số lượng thành viên  lên đến 16 hộ dân.

Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được học tập các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức; được hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi với số tiền từ 20-50 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các thành viên còn được hỗ trợ tiêm phòng, khám, chữa bệnh định kỳ… Đặc biệt, qua tổ hợp tác, các hộ có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Nuôi bò vỗ béo dần khẳng định hiệu quả cho người dân xã Đa Phước, từ mô hình này nhiều gia đình đã thoát nghèo, cải thiện nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Mô hình góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường. Hiệu quả từ mô hình sẽ thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò thịt và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.