Hàng hoá ngập siêu thị, không lo thiếu khẩu trang, nước sát khuẩn

Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát đúng vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu nhưng tại hệ thống các siêu thị tại Hà Nội, rau củ, thịt cá, hàng hóa thiết yếu vẫn đầy ắp, không có tình trạng tăng giá.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội ngày 29/1 và 30/1, lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đầy đủ, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ.

Tại siêu thị Aeon Mall Long Biên, các loại rau, củ tươi được bày kín các kệ hàng. Không chỉ đảm bảo hàng hóa, siêu thị này còn có những chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm như đồng giá rau cải với giá 5.000 đồng/mớ, giảm giá các loại hoa quả, thịt cá…

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại siêu thị Aeon mall Long Biên. 
Chú thích ảnh
Rau củ quả đầy ắp trên kệ hàng.
Chú thích ảnh
Không chỉ duy trì nguồn hàng ổn định mà siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Chú thích ảnh
Thịt, cá dồi dào.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng bổ sung thêm hàng hóa. Đặc biệt giá cả của các mặt hàng tại đây không có tình trạng “sốt giá”, ngược lại, Big C Thăng Long còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá qua đó kích cầu tiêu dùng.

Để đáp ứng nhu cầu dịp Tết, hệ thống siêu thị Big C đã chuẩn bị nhiều hàng hóa, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đến 300% so với tháng thường. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt COVID-19 trước đây như: gạo, dâu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn có đầy đủ hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Tương tự, hệ thống siêu thị Mega market cũng tung ra các chương trình khuyến mại hàng hóa Tết, cùng với đó, các loại hàng hóa như rau, củ quả, thịt, cá vẫn đầy ăm ắp trên kệ.

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại siêu thị Mega market Hoàng Mai.
Chú thích ảnh
Hàng hóa dồi dào.

Đặc biệt tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm, gần như 100% người dân đi mua sắm tại chợ truyền thống, siêu thị đều đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID-19. Cá biệt, cũng có vài trường hợp không đeo khẩu trang nhưng số này không nhiều.

Chú thích ảnh
Nhiều siêu thị bố trí nhân viên tại cửa sát khuẩn tay và nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang.
Chú thích ảnh
Tuy nhiên, cá biệt cũng vẫn có những trường hợp người mua hàng không đeo khẩu trang.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020 – 2021, TP Hà Nội thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT) với 2 nhóm chính. Thứ nhất là nhóm hàng thiết yếu như lương thực (gạo, mỳ, phở khô…), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính…), sữa (sữa nước, sữa bột…). Thứ hai là các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán như mứt tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…

Trên phạm vi toàn quốc, ngoài cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáng chú ý nguồn cung các mặt hàng cao điểm phòng dịch như khẩu trang và nước rửa tay cũng khá dồi dào.

Theo báo cáo nhanh của các hệ thống phân phối lớn, hiện nay các hệ thống phân phối hiện có khoảng 3.000 điểm bán khẩu trang và nước rửa tay.

Lượng hàng dự trữ đối với mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay tại một số hệ thống phân phối lớn điển hình như: Big C dự trữ 300% khẩu trang và nước rửa tay so với tháng trước; Công ty Vincommerce (Vinmart, Vimart+) còn tồn rất nhiều, trong hệ thống bán chậm, dự trữ còn gấp 3 lần so với bình thường.

Công ty BRG Retail bán chậm, còn dự trữ 30.000 khẩu trang vải. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Sài Gòn Coop dự trữ 30.000.000 khẩu trang vải, và lượng nước rửa tay đủ bán trong 1 năm trên toàn hệ thống.

Theo báo cáo nhanh từ các hệ thống phân phối, lượng khách đến mua khẩu trang vải cũng không nhiều. Khẩu trang vải tại các hệ thống phân phối hàng hóa lớn, sẵn sàng phục vụ người dân phòng, chống dịch sau 45 ngày.