Hà Nội tiên phong áp dụng mô hình PGS sản xuất rau an toàn

Sau thành công tại các mô hình PGS trên rau hữu cơ, ngành nông nghiệp Hà Nội tiên phong mở rộng ứng dụng hệ thống giám sát cộng đồng PGS tại những vùng quy hoạch rau an toàn, bước đầu mang lại hiệu quả rất tích cực.

PGS là mô hình gì, bối cảnh ra đời của hệ thống, ý nghĩa ra sao và được ngành nông nghiệp Hà Nội áp dụng thực tiễn trên vùng rau an toàn kết quả như thế nào để được kết quả như ngày hôm nay?

Lịch sử ra đời PGS

PGS là sáng kiến đảm bảo chất lượng nội bộ được lấy tên tắt từ cụm từ tiếng Anh “Participatory Guarantee System” được phát triển từ năm 2004 do Liên đoàn các phong trào Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) bảo trợ. PGS là một hệ thống có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương.

20-12-41_by-dinh-sc-mu
Tham quan mô hình áp dụng PGS tại Gia Lâm

Đại diện Tổ chức Rikolto của Bỉ tại Việt Nam, ông Hoàng Thanh Hải chia sẻ, hệ thống PGS ra đời trong bối cảnh bộ tiêu chí chứng nhận VietGAP tuy khá toàn diện nhưng phức tạp và tốn kém, nhiều nông hộ quy mô nhỏ không làm được. Nếu không có một phương pháp đảm bảo chất lượng phù hợp, nông hộ nhỏ khó tiêu thụ rau của họ với giá cả như rau an toàn. Sự ra đời của một hệ thống đảm bảo chất lượng dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp tới quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ và hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng PGS ra đời trong bối cảnh này.

Tại Hà Nội, nhận thấy những lợi thế, ưu việt của mô hình PGS, năm 2017 Chi cục BVTV Hà Nội thí điểm áp dụng hệ thống quản lý giám sát chéo PGS tại HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn) mang lại kết quả rất tốt. Sau đó, được sự đồng ý của Sở NN-PTNT Hà Nội, Chi cục BVTV tiến hành xây dựng 25 mô hình PGS tại những vùng rau an toàn trọng điểm của Thủ đô.

Ưu điểm của mô hình PGS

Bà Lưu Thị Hằng – Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục BVTV Hà Nội) cho biết, PGS là một hệ thống rất ưu việt, phù hợp với sản xuất nhóm nông hộ có sự tham gia của các bên liên quan vào việc đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được chứng nhận dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong hệ thống. PGS được xây dựng trên sự tin tưởng, dựa vào mạng lưới xã hội và liên tục học hỏi, bổ sung những lỗ hổng, thiếu sót trong quá trình hoạt động.

Quá trình áp dụng mô hình PGS tại xã Thanh Xuân, Sóc Sơn trước đây và 25 mô hình trên rau an toàn tại Hà Nội từ đầu năm 2018 đến nay chứng minh mô hình PGS phù hợp với thị trường nội địa, nơi tất cả các bên liên quan có thể tham gia kiểm soát chất lượng, chi phí phù hợp với nông dân quy mô nhỏ.

Ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT HTX Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) tâm sự, khi tham gia PGS, nông dân được học các nguyên tắc, kỹ thuật canh tác và quy định PGS, được tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động nhóm, đồng thời có trách nhiệm cam kết và nghiêm ngặt tuân thủ theo cam kết cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng và phối hợp với thanh tra nội bộ nên tính minh bạch và chất lượng rau mang thương hiệu của nhóm có sự ổn định rất cao.

Còn theo chia sẻ ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Tân Minh (Thường Tín, Hà Nội), khó khăn lớn nhất của PGS là khâu tuyên truyền vận động để người nông dân hiểu được sự quan trọng của ghi chép nhật ký đồng ruộng cũng như lên kế hoạch sản xuất. Do đó, vai trò của các trưởng nhóm trong việc thúc đẩy các thành viên trong nhóm đạt được mục đích và mục tiêu của nhóm luôn đảm bảo công bằng và tránh xung đột giữa các thành viên là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục BVTV Hà Nội nhấn mạnh, do PGS là mô hình quản lí khá mới tại Việt Nam mà Hà Nội lại đi đầu nên để phát triển và nhân rộng mô hình này trên địa bàn thành phố, Chi cục BVTV Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân thông qua mọi kênh truyền thông.