Hà Nội phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững

Ngành chăn nuôi Hà Nội đã và đang hình thành nhiều vùng tập trung, quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại giá trị cao. Đặc biệt, để bảo đảm đầu ra ổn định, Hà Nội còn xây dựng chuỗi liên kết, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu; góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi Thủ đô phát triển bền vững, hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) phát huy hiệu quả.
Tái cơ cấu theo 4 nội dung

Điểm nhấn thành quả của ngành chăn nuôi Hà Nội là thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi với 4 nội dung gồm: Chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư tổ chức sản xuất khép kín; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống; phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn thành phố hình thành và phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Quốc Oai, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh… 76 xã chăn nuôi trọng điểm gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm; 4.294 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Thành phố đã có 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín; giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 30% so với tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển những giống mới có năng suất, chất lượng cao. Các giống mới đưa vào chăn nuôi đã khẳng định tính thích nghi và cho hiệu quả kinh tế như: Bò thịt BBB, bò Wagyu, gà D300, lợn nhập ngoại cao sản… Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã làm chủ công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo và sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao. Hiện nay, tỷ lệ lợn nái ngoại thuần và nái ngoại chiếm 86%; đàn lợn nái ngoại cao sản nhập từ Pháp, Đan Mạch cho năng suất sinh sản vượt trội, số lợn con cai sữa của đàn lợn nái ngoại đạt trên 25 con/nái/năm; tỷ lệ đàn bò thịt được lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với nguồn chất lượng cao như bò lai Sind, Brahman, BBB… đạt hơn 90%.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Thực hiện dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, đến nay, Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 46 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài phát triển chuỗi, Hà Nội còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu tại các chuỗi. Đặc biệt, đã có 8 nhãn hiệu chăn nuôi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” gồm: Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai).

Bên cạnh tăng cường hỗ trợ xây dựng chuỗi, năm 2018, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng mã QRcode để thực hiện minh bạch thông tin điện tử cho các sản phẩm từ khâu chăn nuôi tới giết mổ sơ chế, chế biến, bảo quản tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, đã có 7 mô hình chuỗi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QRcode, từ đó, giúp minh bạch thông tin các chuỗi, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường; các chuỗi chủ động kết nối, tổ chức cho người tiêu dùng tham quan chuỗi và dùng thử sản phẩm, giúp doanh thu các chuỗi tăng 5-10%.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển theo hướng sản xuất con giống, nhập ngoại giống có năng suất cao và phát triển giống bản địa có chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm; lấy doanh nghiệp làm đầu tàu, xây dựng chuỗi khép kín, chuỗi liên kết, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc. Sở tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm như: Hỗ trợ tổ chức hợp tác liên kết chăn nuôi; thiết bị, xe chuyên dụng cho cơ sở giết mổ; thiết bị bảo quản cho cơ sở tiêu thụ sản phẩm… để ngành chăn nuôi Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế “mũi nhọn” trong cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.