Hà Nội: Giết mổ gia súc, gia cầm vào nề nếp

Năm 2018, trên địa bàn Hà Nội có 988 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công 937 cơ sở; giết mổ bán công nghiệp 44 cơ sở, giết mổ công nghiệp 7 cơ cở.

Phấn đấu giảm 50% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Hiện tại, số lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) được kiểm soát trên địa bàn thành phố là 126 cơ sở. Lượng thịt GSGC tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát khoảng 515 tấn/ngày đáp ứng 59 % nhu cầu tiêu thụ. Phần còn lại, được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư và nhập từ các tỉnh, thành phố khác về. Số lượng GSGC duy trì kiểm tra kiểm soát giết mổ tại các lò mổ năm 2018 với trâu, bò 67.125 con; lợn 1.252.824 con; gia cầm 10.076.563 con.

07-36-11_img_4453
Cán bộ thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở

Một số cơ sở giết mổ GSGC lớn được kiểm soát tốt, hoạt động có hiệu quả như cơ sở của Công ty CP Việt Nam (tại Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) giết mổ bình quân trên 35.000 con/ngày đạt khoảng 50% công suất. Cơ sở Lan Vinh (Yên Thường – Gia Lâm) giết mổ trên 4.000 con/ngày đạt 80 % công suất.

Ngoài ra, có cơ sở Đông Thành (Đông Anh) giết mổ trâu bò bình quân trên 50 con/ngày. Cơ sở giết mổ trâu bò Nguyễn Văn Tuấn (Kim Lan – Gia Lâm) giết mổ 40 con/ngày, đạt 70% công suất. Cơ sở giết mổ lợn Vinh Anh (Thường Tín) giết mổ 200 con/ngày đạt 30% công suất. Cơ sở ông Vũ Văn Khương (Chương Mỹ) bình quân giết mổ 150 con/ngày. Cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ 2.000 con/ngày, những ngày giáp Tết Nguyên Đán lên tới gần 3.000 con/ngày. Cơ sở giết mổ lợn Minh Hiền (Thanh Oai) bình quân giết mổ 700 con/ngày.

Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định mà rải rác ở hầu hết các khu dân cư của các huyện, thị xã (trừ huyện Thanh Trì không còn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ). Một số cơ sở giết mổ, nhất là gia cầm lại hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó việc vận chuyển GSGC sau giết mổ cũng còn những tồn tại bất cập, nhất là đối với việc giết mổ lợn. Thực trạng số lượng lợn vận chuyển bằng xe chuyên dụng (xe lạnh có đảm bảo nhiệt độ) còn thấp, phần lớn lợn sau giết mổ bằng xe máy (cả con lợn sau giết mổ vắt ngang qua xe máy), không che chắn, không có thùng bảo quản chuyên dụng vận chuyển trên đường gây mất vệ sinh thú y và mỹ quan trên đường (thường vào thời điểm 4-6h sáng hàng ngày).

Trước thực trạng đó, Hà Nội triển khai thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn. Theo đó phấn đấu giảm khoảng 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đến năm 2020, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã…

Mục tiêu cụ thể là hình thành thêm 4 khu giết mổ GSGC công nghiệp theo quy hoạch gắn với chế biến, theo chuỗi liên kết giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường. Hình thành 1 khu giết mổ GSGC bán công nghiệp tập trung/huyện (thị xã) trở lên theo quy hoạch gắn với các chợ bán sản phẩm thịt hiện có tại từng địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, sản phẩm GSGC sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được kiểm soát đạt khoảng 80%.

Giải pháp cụ thể

Về công tác quy hoạch: Rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ trên thế giới; quy hoạch các điểm giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt GSGC hiện có tại từng địa phương nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của thành phố và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Về cơ chế chính sách: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn (bao gồm chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung). Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở giết mổ GSGC tập trung đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh GSGC trên địa bàn quản lý theo phân cấp; phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh GSGC; đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Tăng cường việc quản lý nguồn gốc GSGC và sản phẩm GSGC bằng hệ thống thông tin điện tử.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố trong lĩnh vực giết mổ GSGC. Tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình.