Giao mùa làm ngay bánh đúc nóng nhân thịt ăn mãi không chán

Mỗi lần bọn trẻ trong nhà mắc lỗi, thay vì la mắng, lúc đó không hiểu sao tôi lại nhớ đến bố tôi với thói quen rất “lạ”: Không bao giờ quát mắng và sai lầm dưới góc nhìn của bố cũng có thể biến thành… niềm vui, tiếng cười.

Tôi nhớ như in hồi mới tập tành cắm cơm. Trẻ con vốn ham chơi và không chuyên tâm vào việc bếp núc. Có hôm cơm khô, có hôm đến bữa trong nồi vẫn là gạo với nước…

Mẹ tôi sau một ngày làm việc mệt mỏi, đã “gầm ghè” muốn quát tháo vì “con gái con lứa mẹ nhờ nấu mỗi nồi cơm cũng làm không nên hồn!”. Nhìn ánh mắt tức giận của mẹ, tôi đã sợ rúm ró. Nhưng sự sợ hãi đó tan biến khi bố tôi đủng đỉnh cất lời: “Cơm khô thì canh càng nhanh hết!”; “Con quên cắm cơm thì học trước rồi lát ra ăn sau, đói ăn càng ngon, bố mẹ lại có thời gian nghỉ ngơi, xem ti vi!”… Tôi nghe bố nói và tự nhiên bật cười.

Có hôm cơm hơi nát, mẹ tôi cằn nhằn nói khó ăn, bố lại đùa: “Giá có tí nước vôi là được bát bánh đúc ngon rồi!”. Câu đùa đã khiến tôi luôn miệng hỏi bố cách làm bánh đúc thế nào. Đó có phải là món bánh đúc lạc chấm tương mà thi thoảng mẹ vẫn mua về?

Tuổi thơ của tôi đã trôi qua trong êm đềm nhờ có bố. Bố lúc nào cũng hài hước và hóm hỉnh khiến cho cuộc sống dù nghèo khó vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Trong ký ức của tôi, dù lục tung lên cũng không tìm thấy khuôn mặt cau có, tức giận của bố; cũng không hề có những trận quát mắng hay đòn roi…

Từ thời người ta chưa nhắc đến khái niệm “kỷ luật không nước mắt”, “dạy con không đòn roi”,… bố của tôi đã thừa nghệ thuật để con cái được lớn lên trong vòng tay yêu thương đúng nghĩa.

Và công thức để làm món bánh đúc mà bố tôi từng nói cũng khá đơn giản. Nguyên liệu cần có bột gạo ngon, lạc, nước, nước vôi trong và dầu ăn, muối. Ngâm lạc cho nở ra sau đó luộc chín rồi để nguội.

Bột gạo hòa với lượng nước đã chuẩn bị, sau đó hòa nước vôi trong với nửa thìa nhỏ muối đến khi muối tan hết thì đổ nước vôi vào hỗn hợp nước bột gạo, khuấy đều.

4d068cf71c55fb0ba244.jpg
                                          Bát bánh đúc nóng “chế” thêm thịt quay nóng giòn cực hợp vị

Đổ hỗn hợp vào nồi đun, khuấy đều tay để bột không bị vón cục. Đến khi bột đặc lại thì cho chút dầu ăn vào, đậy nắp và đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút. Sau đó, cho thêm chút nước, đun với lửa lớn đến khi bột sánh lại. Tiếp đến cho lạc luộc chín vào trộn đều rồi tắt bếp.

Xúc bột thành từng miếng để ra mâm chờ nguội hoặc đổ thẳng ra mâm, khi nguội cắt thành miếng vừa ăn.

Hiện tại, món bánh đúc được nhiều nhà tự làm mỗi khi muốn đổi món bởi khá đơn giản, dễ làm và không còn sử dụng tới nước vôi như ngày xưa. Hai món bánh đúc được làm nhiều nhất là bánh đúc nóng và bánh đúc nộm. Nguyên liệu để làm bánh đúc nóng ngoài bột gạo tẻ có thêm bột năng (tạo độ giòn, thay cho nước vôi hoặc hàn the); rau mùi, hành khô, gia vị… Nhân bánh đúc nóng gồm thịt lợn băm, mộc nhĩ.

Cho cả hai loại bột vào khuấy tan với nước rồi bắc lên bếp quấy đều, cho thêm gia vị đến khi bột trong thì cho 2 thìa dầu ăn vào khuấy đều. Nếu đặc quá, có thể cho thêm nước.

Phần nhân gồm thịt băm, mộc nhĩ thái nhỏ, gia vị… cho vào nồi xào chín. Hành khô phi thơm. Pha nước chấm chua ngọt. Khi đã hoàn tất các khâu thì múc bánh đúc nóng vào bát, xúc nhân thịt mộc nhĩ lên trên, rắc rau thơm, hành khô, chan nước chua ngọt vào là có thể ăn. Bánh đúc nóng ăn khi thời tiết giao mùa, khi trời lạnh hợp vô cùng.

c68f5f8ece2c2972703d.jpg
           Bánh đúc nộm được giới trẻ Hà Thành cực kỳ ưa thích, bởi nước dùng có vị thơm mát của lạc và vừng

Với món bánh đúc nộm thì khi làm xong bánh đúc nguội, thái thành sợi mỏng dài. Phần nước đi kèm là nước lạc sống giã nhỏ đun sôi, nêm gia vị vừa ăn, đun sôi thì cho vừng vào, chờ nước nguội. Khi ăn cho bánh đúc vào bát, thêm chút giá trần, rau kinh giới, ngổ, rau mùi, thân chuối thái mỏng… chan nước lạc vừng vào, rắc chút hành khô lên trên.

Để tăng chất lượng cho món ăn, bạn có thể quay thêm một miếng thịt ba chỉ, thái mỏng để ăn cùng bánh đúc. Vậy là món ăn chơi chơi, đã có thể biến thành món ăn chính đủ chất, ăn mãi không chán rồi.