Giám đốc trồng rau, lăn vào bếp những ngày giãn cách xã hội

Thay vì đi công tác liên tục hay ra quán nhậu cùng bạn bè, đối tác, anh Hùng ở nhà nấu ăn, trồng rau giúp vợ con những ngày giãn cách xã hội.

Vợ chồng anh Ngô Công Quang (37 tuổi) làm việc tại một cơ quan báo chí tại TP.HCM. Họ cưới nhau năm 2012, hiện có hai con, một trai một gái.

Ngoài làm việc ở cơ quan, vợ chồng anh mở thêm quán kinh doanh trà sữa, nước uống. Con nhỏ, công việc bận nên trước đây, những bữa cơm gia đình đều được chuẩn bị trong vội vã.

Anh Quang cho biết, thời gian gần đây, anh được cơ quan cho làm việc online, quán trà sữa của hai vợ chồng cũng tạm đóng cửa vì dịch bệnh.

‘Với gia đình tôi, đây là khoảng thời gian ‘nghỉ phép’ sau nhiều ngày vùi đầu vào công việc’, anh Quang nói.

Vợ bận chăm sóc hai con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa nên anh phụ nấu ăn, chăm sóc vườn rau trước nhà. Sợ vợ không có thời gian đi chợ, buổi sáng anh dậy sớm, đi bộ ra chợ gần nhà mua đồ về nấu bữa sáng cho cả nhà. Sau đó, anh chuẩn bị bữa trưa rồi bật máy tính làm việc.

Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Một góc vườn rau do anh Quang chăm sóc

Cũng có khi phải ra ngoài phỏng vấn, gặp nhân vật, anh tranh thủ ghé cửa hàng tiện lợi gần nhà mua đồ ăn, bỉm và sữa cho con.

Anh Quang cho biết, những lúc làm việc tại nhà căng thẳng, anh lại ra vườn rau tưới cây, nhổ cỏ, tỉa lá để thư giãn.

‘Vườn rau này tôi trồng từ khi chuyển về nhà mới, nhưng phải sống trong nhà giữa mùa dịch mới thấy tác dụng tuyệt vời của nó’.

Mới đây, anh chụp vườn rau của mình đăng trên trang cá nhân, kèm những lời bình luận hài hước: ‘Vườn rau, trái cây tự cung tự cấp mùa Covid-19.

Với sự đảm đang của chủ nhân, vườn rau, trái cây này cũng giúp chủ nhân nó cầm cự đến con trăng sau mà không cần phải ra ngoài.

Cà chua cuối vụ vẫn tiếp tục cho ra trái. Rau mồng tơi, khoai lang, lá lốt, càng cua… xanh mướt quanh năm. Cải cay, rau dền đỏ ra lá đều đều. Khế ngọt vẫn vàng ươm. Cà tím, ớt, khổ qua… đang trổ hoa, lại thêm giàn đậu cô ve, 3 cây đu đủ cũng bắt đầu đơm trái’.

Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Những thành quả của chủ nhân

‘Sáng mình ngắm hoa cúc khoe màu, trưa xem hoa mười giờ khoe sắc, tối hái lá vối pha trà uống, nghe nhạc. Thỉnh thoảng mình hái vài nụ hoa nhài ướp hương… Mỗi trái, mỗi lá, mỗi hoa, mình đều nâng niu như thuốc quý, giữ như sâm, anh vui vẻ cho biết thêm.

Công việc này đã giúp anh rèn sức khoẻ, giết thời gian lại có thực phẩm sạch để dùng trong những ngày bị hạn chế ra đường.

Tương tự, gia đình chị Hải Lê (SN 1988, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có những ngày ‘sống lạ’ khi thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội.

Chị Lê làm việc tại phòng hành chính của một công ty nước ngoài. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty chị đã có chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà.

Anh Hùng – chồng chị, cùng mấy người bạn hùn vốn mở nhà hàng kiêm cà phê trên con phố lớn ở quận Cầu Giấy. Ngoài ra, anh còn có một công ty riêng. Tuy nhiên khi các ngành kinh doanh, du lịch tạm thời dừng hoạt động cũng là lúc cửa hàng cũng như công ty của chồng chị tạm đóng cửa.

‘Trước đây, anh ấy đi công tác liên tục. Những bữa cơm ở nhà đếm trên đầu ngón tay. Những ngày không đi công tác, anh ấy lại đi chơi tennis, ăn uống, nhậu nhẹt với bạn bè, đối tác. Tiền bia rượu, tiếp khách… lên đến mấy chục triệu/tháng’, chị Lê chia sẻ.

Tuy nhiên điều chị lo lắng hơn cả là do làm việc quá độ, uống bia rượu nhiều đã ảnh hưởng đến sức khỏe chồng chị. Anh bị bệnh đau dạ dày nhiều năm nay. Ngoài ra, trong gia đình, các con thường xuyên thiếu vắng tình cảm của bố.

Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Giám đốc trồng rau, ‘lăn vào bếp’ những ngày giãn cách xã hội
Món ăn và mâm cơm do các ông chồng vào bếp trong mùa dịch.

Khi dịch bùng phát, công việc bị đình trệ, anh phải ở nhà. Từ đây, cuộc sống của gia đình chị có nhiều thay đổi.

Chồng chị bắt đầu vào bếp nấu đồ ăn sáng cho con – việc trước đây anh chưa bao giờ làm. Anh cũng giúp các con học trực tuyến qua mạng. Sau đó, vì vợ bận làm anh lại xuống siêu thị dưới chân tòa nhà đi chợ, nấu cơm… Không chỉ vậy, anh còn bắt tay vào sửa chữa các đồ đạc bị hỏng trong gia đình.

‘Lâu nay, chồng quá bận nên có sự cố gì mình đều nhấc máy gọi thuê người đến làm. Không ngờ, nhờ thời gian này, mình mới biết chồng mình lại khéo léo, đa năng đến vậy’, chị Lê nói thêm.

Không chỉ vào bếp nấu ăn, anh còn làm các món nhậu như chân gà ngâm sả ớt, bò ngâm dấm… để cải thiện món ăn cho gia đình và có đồ nhậu ngay tại nhà. Vị giám đốc còn rủ vợ trồng rau sạch để các con có rau ăn hàng ngày. Xuất thân từ gia đình nông thôn, anh có kinh nghiệm về đất, phân bón, gieo giống, làm giàn…

‘Những ngày ở nhà, dù có buồn về kinh tế bị ảnh hưởng nhưng lại là khoảng thời gian chúng tôi có phát hiện mới về nhau.

Các con tôi cứ ‘Mắt chữ O mồm chưa A’ nhìn bố trổ tài  nấu nướng, trồng rau- những điều mà trước đây vì công việc anh không thể làm giúp vợ con’, chị Lê vui vẻ chia sẻ’.