Giải pháp của Bộ NN khi ‘giá thịt lợn Việt đang thấp nhất thế giới’

Sáng ngày 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đã có cuộc họp khẩn để tìm giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi khi giá thịt ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Cuộc họp do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cùng đại diện của 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến cùng các Hiệp hội ngành hàng.

Đánh giá về tình hình nguy cấp của ngành Chăn nuôi, đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường.Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đ/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đ/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được” – ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định.

Chia sẻ tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, ngay sau khi giá lợn giảm sâu, doanh nghiệp đã có động thái giảm giá con giống và thức ăn chăn nuôi..

Quang cảnh buổi họp của bộ NN- PTNT (ảnh: mard.gov.vn)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến giá lợn rớt thê thảm. Thứ nhất, nguồn cung đang lớn hơn cầu, đây là nguyên nhân chính. Trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Nguyên nhân thứ hai là phải nghiêm túc nhìn nhận là tổ chức ngành hàng thịt lợn chưa tốt.

Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ. Ngoài thói quen tiêu dùng “thịt tươi”, khâu chế biến là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi bởi mới chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có năng lực này.

Về giải pháp cơ bản nhất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con.

Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ,… Giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật. Phát triển đối tượng khác thay thế, không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

Về giải pháp tạm thời, Bộ trưởng cũng đề nghị trước mắt cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y… Tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay cũng chính là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tự giúp mình, hướng đến phát triển bền vững.

Theo Vnexpress