Giá tiêu lao dốc, nông dân lỗ nặng

Năm 2018, giá tiêu giảm mạnh khiến cho giá trị XK hồ tiêu mất mốc 1 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, giá tiêu không những chưa có dấu hiệu phục hồi mà còn tiếp tục giảm mạnh khiến nông dân lỗ nặng.

15-21-42_gi_tieu_lo_doc
Một vườn tiêu ở Đồng Nai

Nửa đầu tháng 1, giá tiêu ở các vùng nguyên liệu ở mức từ 50.000 đồng/kg trở lên. Từ giữa tháng 1, giá tiêu đã giảm mạnh và ở dưới mức 50.000 đ/kg tại nhiều địa phương. Sau đó, giá tiêu tiếp tục giảm dần và chỉ còn 45.000 – 46.000 đồng/kg.

Trong kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, giá tiêu tiếp tục giữ ở mức giá như trên. Sau Tết, giá tiêu có phục hồi đôi chút ở một số địa phương, nhưng nhìn chung vẫn ở mức giá thấp. Từ giữa tháng 2 tới nay, giá tiêu lại tiếp tục giảm xuống. Đến ngày 19/2, giá tiêu đã giảm xuống chỉ còn 43.000 đồng/kg ở Đồng Nai (giảm 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó), 44.000 đồng/kg ở Gia Lai (huyện Chư Sê). Giá tiêu cao nhất vẫn là Bà Rịa – Vũng Tàu với 46.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, Đăk Nông và Đăk Lăk, giá tiêu ở mức 45.000 đồng/kg.

Theo ông Hoàng Phước Bính, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu sẽ còn tiếp tục giảm xuống và nhiều khả năng xuống tới mức chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân không gì khác là sản lượng tiêu quá nhiều.

Vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã đi khảo sát các vùng trồng tiêu và nhận thấy diện tích tiêu tăng mạnh ở nhiều nơi, nhất là tại Đăk Nông và Đăk Lăk, mà chủ yếu là những vườn tiêu trẻ. Đây là những vườn tiêu được trồng trong các năm 2016 – 2017 do tác động mạnh từ việc giá tiêu lên đến đỉnh cao của năm 2015. Chính vì diện tích tiêu tăng mạnh nên trong năm 2018, dù được cho là mất mùa tiêu, nhưng sản lượng vẫn cao hơn đáng kể so với 2017. Năm nay, dự báo năng suất tiêu cao hơn 2018, cộng thêm nhiều vườn tiêu mới bước vào thu hoạch, nên sản lượng tiêu sẽ tăng mạnh so với năm ngoái, một số chuyên gia cho rằng sản lượng có thể lên tới 240.000 tấn. Còn theo ông Bính, trên thực tế, sản lượng còn cao hơn nhiều.

Với giá tiêu như hiện nay, hầu hết người trồng tiêu đang bị lỗ nặng. Bởi chỉ tính những vườn tiêu đã cho thu hoạch, giá thành chung hiện khoảng 49.000 đồng/kg. Như vậy, người trồng tiêu đang bị lỗ từ 3.000 – 6.000 đồng/kg. Thua lỗ nặng nhất là những hộ mới trồng tiêu vào những năm 2015-2016 bởi khi ấy, chi phí trồng tiêu là rất cao do giá đất trồng tiêu tăng vọt, nhiều chi phí khác cũng tăng mạnh.

Tình trạng hạt tiêu giá thấp còn kéo dài đến bao giờ? Ông Bính cho rằng, sản lượng tiêu ở Việt Nam sẽ còn tăng ít nhất là trong 2 năm tới do nhiều vườn tiêu mới trồng gần đây bước vào thu hoạch. Sau đó, sản lượng tiêu sẽ chững lại và giảm dần xuống, khi mà nhiều nông dân không chịu nổi mức giá thấp, buộc phải chặt bỏ vườn tiêu, chuyển sang cây trồng khác. Cho đến khi sản lượng tiêu xuống bằng và dưới nhu cầu, giá tiêu mới có thể tăng lên trở lại.

Để tăng được giá tiêu trong nước, còn phải phụ thuộc vào việc tăng giá XK. Mà giá tiêu XK của Việt Nam cũng đang giảm mạnh do tình trạng nguồn cung tăng cao trên toàn cầu. Trong vòng 5-7 năm qua, diện tích hồ tiêu toàn cầu đã tăng gấp 3 lần và đạt 480 ngàn ha. Trong năm nay, dự báo sản lượng ở một số nước sản xuất chính sẽ giảm. Cụ thể, tại Brazil, sản lượng tiêu dự báo giảm do nhiều diện tích già cỗi, trong khi nhiều diện tích trồng mới chưa cho thu hoạch. Ở Indonesia, do giá thấp kéo dài, nhiều nông dân không còn quan tâm đầu tư cho cây tiêu khiến cho năng suất và sản lượng giảm. Ở Ấn Độ, nhiều diện tích tiêu ở bang Kerala bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt…

Dầu vậy, do diện tích tiêu toàn cầu đã tăng quá mạnh trong những năm qua, khiến cho sản lượng tiêu thế giới vẫn đang trong tình trạng cung vượt cầu. Với tình trạng hiện tại, để cải thiện được giá hạt tiêu, cách duy nhất là nâng cao chất lượng bằng các quy trình canh tác sạch, đảm bảo ATTP và đầu tư mạnh vào khâu chế biến.