Gia Lai: Hơn 1.000 ha sắn bị bệnh khảm lá

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 12/7, tỉnh Gia Lai đã có 1.021,85 ha sắn bị bệnh khảm lá và tập trung nhiều nhất tại các huyện An Khê, Ia Pa, Krông Pa. Theo đánh giá, bệnh khảm lá sắn rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và rất khó phòng trừ.

Chú thích ảnh

Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sẽ không thể cho củ hoặc củ nhỏ, chất lượng thấp nên cần phải nhổ bỏ. Ảnh: TTXVN phát

Thời điểm này, các diện tích sắn ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai như huyện Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa đang thời kỳ phát triển mạnh. Vì vậy, bệnh khảm lá sắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bột, năng suất và sản lượng của vụ sắn 2021. Do đó, các địa phương trên đang tích cực hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ loại bệnh này. Tuy nhiên, việc phòng trừ bệnh khảm lá những năm trở lại đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 20.000 ha trồng sắn, theo thông tin sơ bộ từ các xã báo về, diện tích sắn trên tất cả các xã đều bị bệnh khảm lá và có nguy cơ lan rộng. Riêng xã Chư Ngọc có hơn 1.300 ha trồng sắn thì có đến 50% bị bệnh khảm lá.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh khảm lá sắn là do người dân vẫn lấy những giống cũ về trồng. Để khắc phục bệnh khảm lá người dân nên chuyển đổi cây trồng khác một thời gian rồi mới quay lại trồng sắn. Thay vì chọn những giống cũ, người dân nên chọn giống KM94 kháng bệnh khảm lá rất hiệu quả.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn, không để lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất của người dân.

Cụ thể, nếu có bọ phấn trắng trên cây sắn cần khoanh vùng phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh, hạn chế lây lan nguồn bệnh đối với diện tích sắn trái vụ. Đối với diện sắn chính vụ cần phun thuốc trừ bọ phấn trắng trước khi nhổ bỏ, thu gom, tiêu hủy toàn bộ cây sắn trên ruộng đối với diện tích nhiễm nặng.

Các địa phương cần khuyến cáo người dân không mua giống sắn HL-S11, kiểm tra nguồn gốc giống, đảm bảo không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng sang trồng các loại cây trồng khác ít nhất là 1 năm để cắt đứt nguồn bệnh mới trồng sắn trở lại.