Giá cà phê thế giới giao dịch ở mức thấp nhiều năm

Cho dù vẫn có những tin tức cơ bản hỗ trợ nhưng cà phê Robusta vẫn bị níu chân khi giá cà phê Arabica còn quanh quẩn ở mức thấp bốn năm rưỡi.

Kết thúc phiên giao dịch thứ Ba ngày 03/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 8 USD, tức tăng 0,48%, lên ở mức 1.685 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 6 USD, tức tăng 0,36% lên ở mức 1.677 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá thấp dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 0,25 cent, tắc tăng 0,22%, lên ở mức 111,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 0,2 cent, tức tăng 0,17%, lên ở mức 115,3 cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ lên trên mức trung bình. Giá vẫn còn quanh quẩn ở mức thấp hơn bốn năm rưỡi.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 200 đồng/kg, lên dao động trong khung 35.000 – 35.800 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.562 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 110 – 115 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .

Báo cáo thương mại tháng Năm của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (International Coffee Organization – ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này chỉ đạt 9,27 triệu bao, giảm 12,38% so với  xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica chỉ đạt 5,62 triệu bao, giảm 17% và xuất khẩu cà phê Robusta đạt 3,65 triệu bao, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2017/2018 (từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018) đạt 79,94 triệu bao, giảm 0,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 50,16 triệu bao, giảm 2,4% và xuất khẩu cà phê Robusta đạt 29,79 triệu bao, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Cũng theo ICO, trong mười hai tháng kết thúc vào tháng 5 năm 2018, xuất khẩu Arabica đạt tổng cộng 74,72 triệu bao so với 74,80 triệu bao trong năm ngoái; trong khi đó xuất khẩu Robusta đạt 44,19 triệu bao so với 44,42 triệu bao. Dường như sự biến động về khối lượng xuất khẩu trong vòng 12 tháng qua là không đáng kể.

Báo cáo số liệu thương mại của Chính phủ tại Sumatra, đảo trồng cà phê chính của Indonesia, cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta trong tháng Sáu chỉ đạt 58.622 bao, giảm 237.665 bao, tức giảm 80,21% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu niên vụ 2017/2018 chỉ đạt tổng cộng 942.718 bao, giảm 2.178.651 bao, tức giảm 69,8% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.

Xuất khẩu của nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 3 thế giới giảm mạnh trong 9 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại, được cho là do nhu cầu tiêu thụ trong nước gia tăng rất đáng kể. Cũng không loại trừ sản lượng vụ mùa năm ngoái của quốc đảo này không đạt như kỳ vọng. Theo tin thị trường, Indonesia hiện đang thu hoạch cà phê vụ mùa mới năm nay nhưng khối lượng thu được cũng chưa nhiều và đang dành ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước, với mức giá Lampung loại 4 cộng 40 – 60 USD/tấn so với giá kỳ hạn London.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu châu Phi, đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê 2017/2018 đạt tổng cộng 2.849.102 bao, giảm 4,62% ​​so với cùng kỳ niên vụ trước.

Ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ nhất thế giới, cũng ước báo xuất khẩu cà phê tháng Sáu đạt khoảng 164.000 tấn, tăng 9,3% so với tháng trước và đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,04 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trái lại, tuy Brasil hiện đang thu hoạch Conilon Robusta vụ mới với ước báo sản lượng có thể tăng tới 30% so với vụ trước nhưng cũng cần nhớ nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới bị mất mùa liên tiếp mấy năm qua. Năm ngoái Brazil còn tính chuyện nhập cà phê Robusta từ Việt Nam về cho nhu cầu của ngành công nghiệp trong nước và loại cà phê này tại thị trường nội địa của họ thường có giá rất cạnh tranh, thậm chí còn cạnh tranh hơn cà phê Robusta Indonesia.

Trong khi đó, dường như đã có khá nhiều phản ứng không kém phần quyết liệt của nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới về việc tổng thống D.Trump tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ. Vấn đề là USD vẫn vững trong rổ tiền tệ mạnh trong khi nhiều đồng tiền khác tiếp tục sụt giảm khiến cho hàng hóa nói chung trở nên đắt đỏ và sức mua cũng giảm sút theo. Có vẻ như hệ thống tài chính toàn cầu đang bị căng thẳng vì sự đối đầu liên tục vào lúc này.

Đồng Reais suy yếu trở lại đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán ra trước sức ép của vụ mùa mới đang thu hoạch, đã kéo theo lực bán phòng hộ của nhiều nước sản xuất góp phần làm cho giá cà phê giảm sâu thêm.