Gạo Séng Cù-hạt ngọc Tây Bắc

Cây lúa tắm sương đêm, uống nước suối từ khe núi chảy ra cho hạt gạo dẻo, vị ngọt bùi, thơm hương núi rừng Tây Bắc.

Séng Cù là loại gạo tẻ đặc sản của vùng Tây Bắc, trồng nhiều ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu.

Đồng bào người Thái, Nùng, Dao, H’Mông… canh tác lúa Séng Cù ở vùng núi cao. Trên nền đất feralit cổ, vùng trồng có độ cao 500-1.400 m, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, ngày nắng ít, đêm nhiều sương mùa. Nguồn nước tưới chính là từ sương và nước trong khe suối từ núi chảy ra

Tại Lào Cai, gạo Séng Cù gắn liền với các địa danh Mường Khương, Bát Xát. Tại đây, dưới chân núi, lúa trồng trong các ruộng. Ban ngày, mặt trời chiếu đến ít, nhiệt độ chỉ giao động 20-25 độ C. Đêm nhiều sương nên hầu như không cần tưới.

polyad

Gạo tẻ Séng Cù là đặc sản Tây Bắc lâu đời. Ảnh: http://sanvatlaocai.vn

Những tháng ít mưa, nước suối mát lạnh chảy từ núi theo hệ thống mương dốc với các luống dẫn nước nhỏ quanh núi vào ruộng. Đây là cách làm thủy lợi truyền thống của bà con đồng bào.

Lúa Séng Cù có thời gian sinh trưởng ngắn: 100-115 ngày, năm gieo trồng 2 vụ. Vụ lúa chiêm xuân cấy từ tháng 12-1 dương lịch, thu hoạch vào tháng 5-6. Lúa chính vụ cấy từ tháng 7. Cuối tháng 10 thì bắt đầu thu hoạch. Năng suất trung bình đạt 40-50 tạ ha. Hiện, sản lượng gạo Séng Cù mỗi năm tại Lào Cai từ 2.300-2.500 tấn, không đủ cung cấp cho thị trường, dẫn đến nhiều loại gạo giả danh.

Người trồng tại Mường Khương cho biết, hạt thóc Séng Cù dễ phân biệt với các loại khác bởi vỏ dầy, cứng hơn, đầu hạt có râu. Hạt gạo Séng Cù dài, cứng hơn gạo tẻ thường, mùi thơm nhẹ chứ không ngào ngạt như các loại gạo tẻ thơm khác. Tuy nhiên, cơm nấu lên dẻo, mềm, càng nhai lâu càng ngọt, gạo thơm dịu như mùi hoa rừng, để nguội vẫn thơm, không cứng.

Khi nấu gạo Séng Cù, người dân nấu cho nước bằng số bát gạo và thêm một nửa bát nưã. Khi nấu, nồi  không mở vung cho đến khi cơm sôi khoảng 15 phút. Bởi gạo Séng Cù được đánh giá có hàm lượng Vitamin B1 cao gấp 4 lần gạo tẻ thường, nên nấu như vậy mới giữ được vẹn nguyên giá trị dinh dưỡng của hạt gạo.

polyad

Hạt gạo Séng Cù dài, không trắng tinh, cứng hơn gạo tẻ thường. Ảnh: http://sanvatlaocai.vn

Lúa Séng Cù vỏ dầy nên ít sâu mọt hơn các loại gạo tẻ thường. Trước kia, người dân thu hoạch lúa về phơi thủ công truyền thống, điều kiện vùng cao ít nắng khiến thời gian bảo quản ngắn, chỉ đủ ăn giữa mùa.

Những năm gần đây, các huyện trồng lúa Séng Cù tại Lào Cai áp dụng nhiều chính sách phát triển giống gạo đặc sản này. Cụ thể, người dân thực hiện canh tác tập trung, cánh đồng một giống, sử dụng phân bón vi sinh… để đem lại thêm thu nhập kinh tế cao.

Cùng với đó, phương thức sản xuất tập trung và hệ thống xay xát, sấy hiện đại được áp dụng. Lúa Séng Cù khi sấy còn 14-15 % ẩm có thể bảo quản được hàng năm, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho loại gạo đặc sản.